Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch


                                                                          HOÀNH SƠN
Đồi Thông xã Glar (hay còn gọi Đồi cỏ Hồng thuộc xã Glar, huyện Đak Đoa) và núi lửa Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) là cảnh đẹp của Gia Lai. Sau khi báo chí đăng bài phản ánh cùng với sự lan truyền trên mạng xã hội thì 2 thắng cảnh hút du khách nhiều hơn.
 Các cấp chính quyền tìm cách để phát triển du lịch từ những thắng cảnh này. Thiển nghĩ, việc tổ chức các hoạt động nhằm khai thác tiềm năng là điều cần làm nhưng cần có cách làm mới.
1.Gia Lai có nhiều đồi Thông và cỏ Hồng. Thông do con người trồng. Cỏ hồng là của tạo hóa. Dưới tán cây Thông, cỏ Hồng mọc vô vàn. Có thể điểm qua như: Đồi Thông xã Ia Der (huyện Ia Grai); Đồi Thông xã Gào (TP. Pleiku); Đồi Thông Mang Yang (huyện Mang Yang)… Nhưng được coi là đẹp và hút du khách tham quan là Đồi Thông ở xã Glar. Đồi Thông này rộng khoảng 500 ha. Khi những cơn mưa bắt đầu trút xuống, cỏ Hồng no nước đội đất mọc lên dưới tán cây thông và những khoảnh đất trống xung quanh. Đến cuối mùa mưa, chúng bắt đầu bung hoa. Những bông hoa có màu phớt hồng. Trên mặt đất đỏ bazan là một màu xanh đỏ chen lẫn giữa thân và bông hoa cỏ Hồng. Cao hơn tầm mắt người là màu xanh của bạt ngàn cây Thông. Đồi Thông trở nên đẹp hơn khi vào mùa khô khi hàng triệu cây cỏ hồng cùng trổ bông tạo thành một thảm cỏ Hồng dài như vô tận và bắt mắt. Ánh nắng đầu mùa khô khiến cỏ Hồng càng lung linh hơn. Chúng còn lung linh hơn bởi kỹ năng Photoshop của… người chụp ảnh.
Trước khi báo chí đăng tải bài viết và hình ảnh thì trong mắt mọi người Đồi Thông xã Glar cũng chỉ là thắng cảnh bình thường như bao đồi thông khác. Bởi chúng đã tồn tại bao nhiêu năm nay. Đầu mùa khô cỏ Hồng nở rộ. Cuối mùa khô tàn rụi vì nắng trời. Có nơi dân đốt để phòng cháy Thông. Sang năm cỏ vẫn tiếp tục mọc lại và trổ hồng. Trước đây, có đơn vị đăng ký đầu tư biến đồi Thông thành một sân golf. Nơi đây vẫn còn bảng treo bạc phếch màu về dự án sân golf. 
Khoảng 1 năm trở lại đây, Đồi Thông xã Glar trở thành địa điểm hút du khách. Người người đổ dồn về ngắm cảnh, chụp ảnh hay tổ chức tiệc dã ngoại. Huyện Đak Đoa đang tổ chức Tuần lễ giới thiệu tiềm năng du lịch Đăk Đoa tại Đồi cỏ Hồng xã Glar. Người dân thường gọi là Lễ hội ngắm cỏ Hồng. 2 ngày nay, người về nườm nượp. Người viết cho rằng tổ chức lễ hội hay gì gì đó là điều đáng làm để khơi dậy tiềm năng du lịch huyện nhà. Tuy nhiên, cách làm còn nhiều vấn đề để nói.
Buổi lễ khai mạc với vài tiết mục văn nghệ sơ sài. Lèo tèo một vài gian hàng. Người đến dự đông. Theo đánh giá của một vài du khách thì cái được nhất là việc đảm bảo an ninh. Cũng như UBND huyện đã bố trí đoàn thanh niên giữ, trông xe miễn phí cho dân. Nhưng không ít du khách than vãn: “Chả có gì đặc sắc. Đến đây chỉ chụp xong mấy bức hình rồi về. Cỏ cũng chẳng hồng như trên các báo đăng”. Lễ khai mạc chưa xong, khách đã vãn. Cũng có nhiều đoàn ở lại, mua gà nướng, cơm lam, ghè rượu và ít củ khoai Lệ Cần ngồi tụ bạ. Càng về trưa khách càng vãn. Đồi Thông đầy rác. Rất nhiều du khách sau khi dự lễ, loay hoay tìm nhà vệ sinh. Bí quá vào bụi cây. Nhiều bãi cỏ Hồng bị dẫm nát. Tuần lễ mới chỉ hơn 2 ngày, không biết những ngày còn lại có bao khách. 
2. Tương tự Đồi Thông xã Glar, núi lửa Chư Đăng Ya được ví là đẹp nhất nhì Gia Lai. Núi lửa Chư Đăng Ya đã ngừng hoạt động từ hàng ngàn năm trước. Đất đai trên núi rất màu mỡ, người dân tận dụng để trồng các loại cây như khoai mật, dong riềng, bí đỏ… Núi lửa Chư Đăng Ya đẹp không chỉ bởi hoa dã quỳ. Thực ra hoa dã quỳ trên núi lửa Chư Đăng Ya không nhiều bằng nơi khác. Hoa dã quỳ cũng chẳng phải do dân trồng. Đây là loại cây dại, mọc rất nhiều ở những khoảnh đất trống của nhiều huyện của Gia Lai. Loại hoa này cũng giống cỏ Hồng, mùa mưa lên rất xanh tốt nhưng đến hết mùa khô thì tự tàn rụi. 
Hoa dã quỳ nơi núi lửa Chư Đăng Ya thường mọc trên các bờ đất ngăn giữa thửa đất này và thửa kia. Có những thửa người dân bỏ hoang thì chúng mọc tràn. Đến mùa nở rộ một màu vàng bắt mắt. Núi lửa Chư Đăng Ya đẹp nhất vào đầu mùa khô, khi hoa dong riềng nở đỏ, hoa dã quỳ nở vàng, ngàn lá khoai mật xanh rì trên toàn núi lửa.
Hàng năm, rất đông người đổ về ngắm cảnh núi lửa. Người dân làng Ia Gri-dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya vẫn hiền hòa, mở rộng cửa nhà cho khách du lịch gửi xe đến ngắm hoa dã quỳ và núi lửa. Huyện Chư Pah chuẩn bị tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya đầu tiên cũng nhằm thu hút du khách, khai thác tiềm năng du lịch. Theo tìm hiểu, kinh phí tổ chức lễ hội khoảng 400 triệu đồng. Trước khi Chư Pah tổ chức lễ hội, người đến tham quan núi lửa Chư Đăng Ya đã đông. Nay nghe huyện tổ chức, người người kháo nhau tìm về. Chư Đăng Ya sôi động hơn. Còn một tuần nữa sẽ khai hội nhưng nghe đâu có những đoàn khách 400-500 người ở các tỉnh khác đăng ký tham quan. Huyện Chư Pah đang nỗ lực cho lễ hội diễn ra thành công.
Tuy vậy, đã nảy sinh bất cập. Thời điểm tổ chức lễ hội là đầu tháng 12-2017 nhưng hoa dã quỳ đã tàn gần hết. Mà hoa dã quỳ tàn rất xấu. Những ruộng khoai mật và dong riềng đã được thu hoạch còn trơ đất trống đỏ lừ. Bụi đỏ bay mù theo gió. Có bận, có đoàn đến tham quan núi lửa bị dân cầm dao rượt vì dẫm khoai và xả rác phải gọi công an.
Trước thềm lễ hội, tỉnh và huyện tổ chức nhiều cuộc họp bàn. Tập trung về sự thành bại của lễ hội lần đầu tổ chức. Sau mỗi lần họp bàn, nhiều việc làm tích cực hơn được triển khai. Ví như đã làm đường có bậc thang khi dân lên núi để người dân leo khỏi nguy hại đến tính mạng. Có sóng wifi miễn phí. Có nhiều bảng dẫn đường… Nhưng việc người dân hưởng lợi gì từ lễ hội và giải pháp nào để hút khách trở lại sau lễ hội thì còn lung lắm. Trong cuộc họp báo mới đây, 1 lãnh đạo huyện chia sẻ là do lần đầu nên nếu chưa thành công thì mong du khách thông cảm. Người viết thầm nghĩ: “Đợt tới để tránh kẹt xe, UBND huyện Chư Pah sẽ chỉ cho xe cộ vào một đường và ra một đường. Đoạn vào nên treo bảng nhiệt liệt chào mừng. Đoạn ra nên treo bảng mong du khách thông cảm”(!).
Một lễ hội đang diễn, nhiều khách tiếc nuối khi về. Một lễ hội sắp diễn ra và sự thành công đang là dấu hỏi chấm. Qùy đã tàn. Khoai đã nhổ. Đất đã khô. Hồng đã nát...
H.S
https://nongnghiep.vn/doi-co-hong-dak-doa-va-nui-lua-chu-dang-ya-nghi-ve-tu-duy-lam-du-lich-d208077.html








Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai