Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

                                   Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne
Nguyễn Tú

          Ở Kbang mỗi khi nói đến “ốc đảo” là người ta sẽ nghĩ đến ngay xã Kon Pne, nơi này cách trung tâm huyện Kbang hơn 80 km về phía tây bắc. Dân cư nơi đây đa phần là người Ba Na, họ sống giữa thung lũng được bao bọc bởi những cánh rừng già, cuộc sống chủ yếu phát rừng làm nương rẫy, tận thu lâm sản rừng, quanh năm thiếu đói, ít giao thương với bên ngoài. Nhưng nay đã khác, một con đường đã hoàn thành nối nơi đây với cuộc sống bên ngoài. Cuộc sống của người dân đang thay da, đổi thịt từng ngày và cái tên “ốc đảo” KonPne cũng đã chìm vào dĩ vãng.



Trong cái nắng “như đổ lửa” của tháng ba Gia Lai, chúng tôi làm cuộc hành trình về với đại ngàn Kon Pne, cái nơi mà khi nhắc đến ai cũng rùng mình nghĩ đến “ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương”.

Dù đã được nhiều người chỉ đường cặn kẽ nhưng chúng tôi vẫn bị lạc đường, mà lạc đâu có ít đến… 60 km. Không nản chí, tiếp tục tìm đường đến Kon Pne, cuối cùng đã tìm được đường, người và xe máy “đánh vật” con đường nằm men theo sườn núi, một bên là núi cao và một bên là vực thẳm, chỉ cần một chút sơ sẩy là sẽ thành “ma rừng già”. Nguy hiểm nhất là những đoạn đường đèo uốn lượn quanh co, đá lởm chởm như chông, cô bạn ngồi phía sau xe như muốn “chồm” hẳn về phía trước giành lấy tay lái với tôi và cứ thế chúng tôi băng rừng đến với Kon Pne.


Thế rồi, chúng tôi đã đến thung lũng giữa đại ngàn trong niềm sung sướng, cô bạn đã bật khóc khi nhìn thấy những ngôi nhà đầu tiên. Bởi cô ấy cứ nghĩ rằng chúng tôi lại một lần nữa lạc đường, trong khi đó bìm bịm đã kêu chiều. Chúng tôi vào trụ sở UBND xã, Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã niềm nở đón tiếp những vị khách không mời mà tự đến này, sau một lúc chuyện trò, như đã quen với cái kiểu đón “khách trên trời rơi xuống” này anh Quang bố trí chỗ ở, chỗ ở qua đêm cho cả bọn nghỉ ngơi sau chuyến đi dài. Nhưng vì có hẹn trước, chúng tôi tạm chia tay Phó Chủ tịch UBND xã và ghé nhà vợ chồng “nhà đài” Phạm Tồn Nhơn – Nguyễn Thị Nghĩa. Gọi là “nhà đài” vì đây là trạm thu phát sóng truyền hình của xã Kon Pne do anh, chị tình nguyện vào quản lý từ những năm 2007.

Trước khi ông mặt trời ẩn mình sau núi, chúng tôi bước bộ trên con đường bê tông liên thôn giữa hai khu dân cư, những ngôi nhà sàn được dựng sát nhau dựa lưng vào vách núi, hướng mặt về phía dòng sông Đăk Pne, dài khoảng 1km mà ngỡ như một đường thẳng dài vô tận.

Buổi chiều không gian nơi đây thật yên bình, những ánh tia nắng cuối chiều chiếu dài theo bóng người dân đi xã Kon Pne đi làm nương, làm rẫy về với chiếc gùi trên lưng bình thản thả bước trên đường làng về nhà, xa xa trên những ngôi nhà sàn những cụ già ngồi trước cửa ngậm tẩu khoan thai nhả khói ngắm lũ trẻ vui chơi trò đuổi bắt. Trên các sân bóng của thôn, làng, xã, trường học thanh niên đang chơi bóng chuyền, tiếng bóng, tiếng người hòa quyện vào nhau tạo những thanh âm đặc trưng của cuộc sống giữa đại ngàn.

Trước khi mọi gia đình lên điện, chúng tôi trở về nhà vợ chồng Nhơn-Nghĩa, quần tụ bên mâm cơm dưới ánh điện, bữa cơm hôm nay dường như rôm rả hơn. Biết có “bạn đến thăm xã” ở “nhà đài”, các anh Quang, thầy Sâm, thầy Thể (giáo viên trường Tiểu học Kon Pne), anh Cường (Xã đội trưởng Kon Pne)…. tranh thủ tạt qua và những vòng rượu lại được rộng thêm, mọi người cũng uống rượu và hàn huyên. Các anh kể cho chúng tôi nghe về quá khứ cũng như thực tại của cuộc sống bà con nơi đây, chung nhất là niềm tự hào khi cuộc sống nơi đây đang dần thay đổi, nhất là với người Ba na, trước cái đói, cái nghèo, cái dốt luôn bám riết lấy họ, nay đã biết cách làm ăn, biết là lựa chọn cho mình một hình thức để sinh lời trên mảnh đất của mình, người Ba na đã bắt cây lúa rẫy xuống làm lúa nước, biết trồng sắn, trồng ngô, biết chọn cây Bời lời đỏ để trồng,  “ốc đảo” xưa đang có những tiến bộ về kinh tế, văn hóa và xã hội.


  Là một trong những người đầu tiên tình nguyện vào công tác tại Kon Pne, Phạm Tồn Nhơn đã có 5 năm “đồng cam cộng khổ với” với bà con nơi đây, tận mắt chứng kiến nhiều thăng trầm, những biển chuyển nhận thức lẫn đời sống, anh vui mừng: những năm trước đời sống của nhân dân trong xã rất khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc triền miên, trẻ em không được đến trường,… Đến nay, người dân đã biết cách làm ăn, biết trồng cây lúa nước, trồng cây mì, cây bắp, cây bời lời… từ đó cuộc sống của họ ngày một khấm khá hơn, nhiều nhà đã mua được xe máy, tivi “xịn”, làm nhà đẹp.


          Phó Chủ tịch UBND xã - Lê Văn Quang hồ hởi không kém, anh kể thêm: Toàn xã hiện có 321 hộ, chủ yếu người Ba Na, từ năm 2009 về trước 100% hộ dân xã Kon Pne thuộc diện nghèo nhất của tỉnh, người dân sống theo cuộc sống du canh du cư, phát nương làm nương rẫy. Đến nay, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của bản thân người dân tỉ lệ hộ nghèo đã giảm được 7% còn 85% (cuối năm 2011). Tính hết quí I năm 2012, toàn xã đã gieo cấy xong vụ Đông Xuân với 103 ha, trồng 35 ha sắn, 10 ha ngô và đang chuẩn bị đất trồng cây Bời Lời đỏ.

Các anh còn kể cho chúng tôi nghe chuyện người dân xã Kon Pne rủ nhau mua cây Bời lời đỏ về trồng, loại cây trồng mà trước đây họ luôn hững hờ với nó. Nguyên nhân là những năm trước đó, có một số hộ dân được hỗ trợ giống đã trồng cây Bời lời đỏ, loại cây này rất thích hợp với thổ nhưỡng đất ở đây, phát triển rất tốt, đã đến thời kỳ khai thác, nhiều cây được mua với giá cao 1-2 triệu đồng, nhiều nhà thu một nguồn lợi không nhỏ từ loại cây này. Người dân trong xã nhận thấy được lợi ích kinh tế từ cây Bời lời đỏ mang lại nên muốn chuyển sang trồng.


Và, còn rất nhiều điều các anh đã kể, kể với niềm tự hào của những người đang cùng với người chung tay xây dựng Kon Pne ngày một đẹp hơn, giàu mạnh hơn…. Bên ngoài gió đêm mãi thổi, Kon Pne về đêm rất yên bình!

Chú thích hình:

Hình 1: Trụ sở UBND xã Kon Pne

Hình 2: một ngôi nhà mới được dựng tại Kon Pne

Hình 3;4;5: Những ngôi nhà san sát của người dân Kon Pne

Hình 6: học sinh Kon Pne vui đến trường


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai