http://baogialai.vn/channel/742/201111/di-tich-lich-su-Nha-lao-Pleiku-dang-bi-xam-hai-2112630/

Di tích lịch sử Nhà lao Pleiku đang bị xâm hại

Cập nhật lúc 16:04, Thứ Tư, 23/11/2011 (GMT+7)
(GLO)- Di tích lịch sử Nhà lao Pleiku- một trong những “nhân chứng sống” được bảo tồn, minh chứng tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc của ông cha ta. Tuy nhiên, không biết vì vô tình hay hữu ý mà một số người đang xâm hại đến cảnh quan của di tích này, còn các cơ quan liên quan đang loay hoay với những hành động xâm hại đó.

Nhà lao Pleiku do thực dân Pháp xây dựng năm 1925, với mục đích giam giữ thường phạm ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến năm 1940 khi phong trào đấu tranh cách mạng lên cao, nơi đây trở thành nơi giam giữ tù chính trị yêu nước, chiến sĩ cộng sản. Ngày 22-12-1994, Nhà lao Pleiku được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, được cấp kinh phí trùng tu, tôn tạo, dựng thêm một số tượng và các hình ảnh minh họa… trên cơ sở bảo tồn hiện trạng theo thiết kế ban đầu. 

Cổng di tích Nhà lao Pleiku bị chiếm dụng làm hàng quán và đậu đỗ xe. Ảnh: Nguyễn Tú
Cổng di tích Nhà lao Pleiku bị chiếm dụng làm hàng quán và đậu đỗ xe. Ảnh: Nguyễn Tú
Di tích rộng khoảng 1 ha, có nhà trưng bày, có tường rào, toàn khuôn viên được lát đá và trồng cỏ, các nhân viên Công ty Môi trường Đô thị thay nhau dọn dẹp, chăm sóc cây cỏ trong khuôn viên và có nhân viên bảo vệ. Nơi đây là một trong những địa điểm được rất nhiều đoàn khách du lịch chọn để đến tham quan, nơi học ngoại khóa lịch sử địa phương cho học sinh…


Thế nhưng cảnh quan nơi đây đang bị xâm hại nghiêm trọng. Bên ngoài tường rào di tích là bãi đỗ xe, hàng quán tự phát của người dân. Hàng ngày, cứ đến 5 giờ chiều cho đến 11 giờ đêm, vỉa hè bên ngoài tường rào Nhà lao “mọc” lên rất nhiều quán xá tạm bợ bán hàng ăn, thức uống. Các ông bà chủ quán tạm đem bàn ghế trải đầy vỉa hè, thậm chí còn đặt trước cổng chính của di tích. Còn khoảng nào trống, các xe ô tô, xe máy chen chúc đậu. Có lẽ là nhiều người trong số đó, không hề biết nơi đây là Di tích Lịch sử cấp quốc gia, bởi có tường rào xây cao bao quanh, cổng vào thì có mà không thấy gắn bảng tên, bảng hiệu nên họ cứ buôn bán, đậu đỗ xe trước cổng? 

Kim tiêm vứt bừa bãi trong khuôn viên Nhà lao. Ảnh: Nguyễn Tú
Kim tiêm vứt bừa bãi trong khuôn viên Nhà lao. Ảnh: Nguyễn Tú
Chưa hết, các hàng quán bán đồ uống như rượu, bia… nhưng không có nhà vệ sinh, các “đệ tử Lưu Linh” sau khi cố nhồi nhét thức uống vào trong cơ thể, rồi phóng uế rất mất vệ sinh. Bên trong khuôn viên Nhà lao, giếng nước trở thành nơi vứt rác. Một số bộ phận của tượng mô tả cuộc sống của các chiến sĩ cộng sản, tù chính trị, cảnh tra tấn tù nhân của thực dân, đế quốc bị “bớt xén”, cây cối trong khuôn viên bị ngắt lá, bẻ cành, các bãi cỏ trở thành sân bóng của trẻ em trong xóm. Đây cũng là nơi tụ tập của một số con nghiện, các đối tượng này thường vượt rào vào chích hút, các hốc tường nhét đầy kim tiêm có dính máu.


Ông Nguyễn Văn Hòa- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao TP. Pleiku thừa nhận: Cơ quan chức năng thường xuyên nhắc nhở nhưng tình trạng chiếm dụng vỉa hè buôn bán bên ngoài đâu vẫn vào đấy. Di tích luôn mở cửa đón khách và có du khách đông không thể quản lý hết được. Còn các cháu nhỏ vào sân chơi thể thao, tập thể dục lại càng không thể đuổi ra ngoài. Các đối tượng nghiện hút cũng lợi dụng lúc vắng người hoặc đêm tối lén vào chích hút, cơ quan đã báo Công an và cũng đã bắt được một số đối tượng chích hút ở trong khuôn viên di tích.

Theo nhiều người dân sinh sống trong khu vực thì tình hình an ninh ở đây đang ở mức báo động, các nhóm tụ tập đánh nhau, các xe máy khi chạy qua đây cố gắng rú ga, nẹt pô gây mất trật tự công cộng, người dân ngán ngẩm trước tình trạng này. Trong khi đó, cơ quan liên quan đang loay hoay, không xử lý dứt điểm được tình trạng trên!

Nguyễn Tú
.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai