http://baogialai.vn/channel/743/201201/Mang-yang-Hoc-sinh-phai-hoc-nho-nha-sinh-hoat-cong-dong-2124989/

Mang Yang: Học sinh phải học nhờ nhà sinh hoạt cộng đồng

Cập nhật lúc 08:12, Thứ Hai, 16/01/2012 (GMT+7)
(GLO)- Hai năm nay, hơn 100 em học sinh thuộc trường Tiểu học Ayun 2 thuộc xã Ayun, huyện Mang Yang (Gia Lai)  phải chia nhau đi học nhờ tại các nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn xã vì nhà trường không có đủ phòng để cho các em học, trong khi đó ngành giáo dục huyện Mang Yang bất lực trước thực trạng này.

Nhọc nhằn “con chữ” vùng sâu

Chuyện tưởng đùa nhưng hoàn toàn thật ấy đã và đang diễn ra tại xã Ayun, huyện Mang Yang. Ngày ngày, hơn 100 học sinh người Bahnar thuộc các lớp 1, lớp 3, lớp 4, lớp 5a,b,c phải chia nhau đến các nhà sinh hoạt cộng đồng thuộc các làng A Tur, Đê Kjêng, Hyer để được theo “con chữ”, được nghe thầy, cô giảng bài, cùng được học tập và vui chơi với bạn bè, dù đó không phải là nơi được thiết kế dành cho học sinh, mà là nơi hội họp của nhân dân các thôn, làng.
Lớp học trong hội trường nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Tú
Lớp học trong nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Tú
Cũng chẳng có ngôi trường nào lại độc đáo như trường tiểu học Ayun 2 này, điểm trường trung tâm trước đây là khu nhà của Ban quan lý rừng quốc gia Kon Ka King, khi thành lập trường Tiểu học Ayun 2 cũng là khi Ban quản lý rừng quốc gia Kon Ka King chuyển về nơi làm việc mới, thế là khu nhà này trở thành một ngôi trường, dù qui cách của các khu nhà, các phòng không thiết kế cho giáo dục, phòng ốc thì lộn xộn, có phòng thì quá to, có phòng lại quá nhỏ, hoàn toàn không phù hợp là một ngôi trường nhưng vì thiếu kinh phí xây dựng trường mới, thầy và trò trường Tiểu học Ayun 2 phải dạy và học tại đây.

Cái gọi là “có còn hơn không” rất phù hợp với ngôi trường này. Điểm trường chính là của mượn, đến các điểm trường phụ cũng không hơn, phòng học thiếu trầm trọng nên nhà trường lại phải mượn các nhà sinh hoạt cộng đồng các làng để làm nơi học tập cho các em học sinh. Hai năm nay, những ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn xã Ayun phải “gánh” thêm nhiệm vụ bất đắc dĩ.

Thương nhất là các học sinh, em nào cũng mong muốn được học ở các ngôi trường khang trang, đang hoàng hơn. Bởi, những ngôi nhà sinh hoạt này không phù hợp với một lớp học, hội trường thì rộng mà học sinh không nhiều, một lớp học chỉ khoảng 30 em, chỉ ngồi hết 1/3 của hội trường nhà sinh hoạt cộng đồng, quay lưng lại với một khoảng trống mênh mông phía sau, với phông màn, băng rôn, khẩu hiệu, ghế… và tất cả những gì để phục vụ cho công tác cộng đồng, thầy và trò vẫn say sưa dạy và học.

Thầy Lê Văn Thành (chủ nhiệm lớp 5C, trường Tiểu học Ayun 2) nói với chúng tôi rằng: “Học sinh đông mà nhà trường lại thiếu phòng nên nhà trường phải mượn các nhà sinh hoạt cộng đồng làm nơi dạy học cho các em học sinh, rất bất tiện, phòng rộng quá, gom âm rất kém, nhiều khi thầy nói rát cả cổ họng mà học sinh chẳng nghe được câu nào, cứ ngóng cổ lên nghe, thầy cũng khổ mà trò cũng chẳng sung sướng gì. Hằng ngày, dạy học ở một nơi thiếu thốn các trang thiết bị thế này, thương các em lắm mong các ban ngành liên quan tạo điều kiện xây dựng trường mới cho các em”.
Phòng học xuống cấp. Ảnh: Nguyễn Tú
Phòng học xuống cấp. Ảnh: Nguyễn Tú
Thương nhất là các em học sinh đang học nhờ tại nhà sinh hoạt cộng đồng làng Hyer, bên cạnh nhà sinh hoạt cộng đồng làng Hyer có một ngôi nhà rông đang trong thời kỳ xuống cấp trầm trọng, khi có một trận gió thổi qua là ngôi nhà rông này rung bần bật, phát ra những tiếng kêu hãi hùng, mái tranh, tre nứa gãy bay tung theo gió, rất nguy hiểm cho tính mạng của các em học sinh. Thầy và trò nơi đây luôn sống trong tâm lý bất an, cứ sợ nhà rông đổ đè lên người. Em Hinh (học lớp 5C) nói: “Ngồi học ở đây sợ lắm chú ạ, lúc nào cũng sợ nhà rông sẽ đổ đè lên người, đến giờ ra chơi cũng không có bạn nào dám ra ngoài hết, cứ ngồi trong lớp cho đến khi hết giờ thì chạy về nhà”.

Cũng rất là may mắn cho các em là nhân dân ở các làng nơi các em phải học “nhờ” rất thương và quý con chữ nên tạo điều kiện rất thuận lợi cho các em, mọi hoạt động sinh hoạt thôn đều chuyển về buổi tối hoặc chuyển về nhà trưởng thôn. Cho nên không có tình trạng học sinh phải ra về khi hội trường nhà sinh hoạt cộng đồng đang tổ chức họp thôn, làng.

Ngành giáo dục Mang Yang... bất lực

Cô Nguyễn Thị Hồng Lợi- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ayun 2 than thở: Hơn ai hết, là người quản lý trực tiếp, tôi rất mong sớm có trường mới cho các em đi học được tiện lợi hơn, tôi cũng đã nhiều lần có lập tờ trình kiến nghị lên Phòng Giáo dục-Đào tạo và các ban ngành huyện Mang Yang trích kinh phí xây dựng trường mới cho các em. Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí nên tạm thời các em học sinh vẫn phải học tại các nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trao đổi với PV GLO, ông Hồ Văn Diệp- Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang cho biết: Những phòng học nói trên đã có trong đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ (2008-2012) sẽ xóa và xây dựng mới nhưng đến giữa năm 2010 đề án bị tạm dừng. Nếu đúng theo lộ trình của đề án đến giai đoạn này huyện Mang Yang sẽ không thiếu phòng học nhưng do nhà nước dừng đầu tư nên thiếu kinh phí. UBND huyện đã huy động các nguồn xã hội hóa giáo dục đã hỗ trợ để xây dựng các trường cho học sinh. Còn nguồn vốn còn lại do dân đầu tư, theo xu hướng chung là tập trung xây dựng trường chuẩn.
Nguyễn Tú

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai