Câu chuyện về hai nông dân bỏ tiền xây cơ sở giết mổ gia súc tập trung cho nhân dân huyện Ia Grai

Câu chuyện về hai nông dân bỏ tiền xây cơ sở giết mổ gia súc tập trung cho nhân dân huyện Ia Grai

                                                                 

                                                                                                Nguyễn Tú

          Đã bao người nói họ “liều”, “điên”… dám bỏ ra số tiền hơn nửa tỷ đồng để xây cở sở giết mổ tập trung cho cả huyện, nhưng với hai anh Phạm Khắc Vĩnh và Lê Văn Hoàn (trú tại thôn Thắng Cường, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đó là chuyện hết sức bình thường. Các anh xây lò mổ để tăng thêm thu nhập cho gia đình, giúp cho bà con có được nơi  một nơi tập trung giết mổ gia súc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giúp cho Trạm thú y huyện kiểm dịch bệnh tốt hơn.

 Nói ra thật xấu hổ, bố mẹ vợ anh Vĩnh coi tôi như con cái trong nhà, thi thoáng tôi lại ghé nhà, thế mà tôi lại không biết anh hùn vốn với bạn xây lò giết mổ gia súc với tiền đến 600 triệu đồng. Mới đây nghe tin, tôi về tham quan cơ sở của hai anh và định bụng sẽ viết bài, khi tôi cho các anh biết ý định đó, anh Vĩnh cười bảo: “Thôi chú à, trên xã Ia Krái người ta bỏ tiền tỷ xây chợ cho nhân dân buôn bán chú không viết, anh xây lò mổ bé xíu, viết làm gì”. Rồi sau một hồi tôi phân trần, các anh cũng đồng ý để tôi viết bài và không quên lời dặn: “Chú viết sao thì viết nhưng đừng có “quá lời” đó.

Dẫn tôi đi tham quan cơ sở, hai anh kể cho tôi nghe về việc xây cơ sở. Trước đây, hai anh có ý định mở cơ sở kinh doanh, buôn bán nhưng nghĩ nát óc rồi mà không nghĩ ra nên kinh doanh gì. Thế rồi trong một cuộc rượu, tình cờ các anh nảy sinh ý tưởng xây lò giết mổ tập trung cho cả huyện vì trên địa bàn huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung, UBND huyện có kế hoạch xây dựng khu vực giết mổ gia súc tập trung nhưng chưa giải tỏa mặt bằng, cũng như các hộ dân buôn bán hàng thịt đều tự ý giết mổ ở nhà, nguồn thịt cung cấp cho thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm dịch. Thấy có người cũng chí hướng với mình, hai anh về vận động gia đình và được gia đình đồng tình. Nói thì dễ làm mới khó vì trên địa bàn chưa có lò mổ nào, rồi không biết sẽ xây thế nào, cơ quan nào cấp phép cho xây dựng… Qua nhiều lần dò hỏi, các anh biết trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số lò mổ, thế là hai anh khăn gói đi khắp Gia Lai tìm hiểu, đầu tiên các anh đến các lò giết mổ gia súc để xem qui mô, cách thức xây dựng. Tuy nhiên, sau khi tham khảo về các anh tự thấy qui mô các lò mổ đã tham quan là quá nhỏ, chỉ phù hợp với hộ gia đình, không thể bảo đảm cho nhiều hộ dân vào giết mổ tập trung và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.

Sau đó các anh đến Chi cục thú y, Trạm thú y, phòng Tài nguyên môi trường huyện Ia Grai dò hỏi và được hướng dẫn tận tình về hình thức lẫn thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Một lần nữa hai anh lặn lội tìm đến các đơn vị tư vấn thiết kế, thuê thiết lập bản vẽ kỹ thuật cho cơ sở của mình. Khi có bản vẽ hợp lý, hai anh làm thủ tục cấp giấy phép xây cơ. Nhờ sự ủng hộ của các cơ quan chức năng và nhân dân, nhất là các hộ dân giết mổ gia súc trên địa bàn thị trấn Ia Kha, ngày 1/3/2012 cơ sở giết mổ gia súc của hai anh chính thức đi vào hoạt động.

Anh Hoàn cho hay: Hiện cơ sở mới chỉ phục vụ việc giết mổ cho các hộ trong thị trấn, cũng như chỉ tổ chức giết mổ heo, sau này khi đã ổn định sẽ tiến hành giết mổ thêm trâu, bò. Mỗi ngày cung cấp cho thị trường 20 con heo, phí mỗi con 20.000 đồng nếu các hộ tự mổ. Và, nếu các hộ có yêu cầu nhờ mổ, chúng sẽ cắt cử người mổ, mỗi con tính phí 40.000 đồng.

Theo thiết kế, cơ sở có diện tích 300 m2, công suất 30 con/ngày; có 18 chuồng nuôi nhốt với tổng diện tích 120 m2; có khu vực giết mổ, khu vực làm lông, khu vực làm lòng, bệ ra thịt; có ba giếng nước sạch cung cấp 10 m3 nước sạch dùng trong lò mổ; có khu vực xử lý nước thải riêng qui mô, có bể chứa nước thải đã qua xử lý, có thể dùng tưới tiêu trong cây cối trong gia đình, đặc biệt có hầm bioga cung cấp chất đốt nấu nước nóng phục vụ cho quá trình làm chế biến gia súc. Có khu vực khử trùng gia súc trước khi đưa vào lò mổ, ngoài ra còn nhà ở cho nhân viên Trạm thú y huyện ở lại tham gia kiểm dịch. Sau 9 tháng thi công, cơ sở đã đi vào hoạt động với tổng kinh phí 600 triệu đồng.

Đến nay, 17 hộ dân chuyên buôn bán thịt heo trên thị trấn Ia Kha đều chuyển vào cơ sở, tập trung giết mổ được chủ cơ sở cung cấp đầy đủ nước nóng, điện chiếu sáng, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ.

Ông Nguyễn Văn Giàu – Trưởng Trạm thú y huyện Ia Grai vui mừng cho biết: Trước đây, các hộ buôn bán thịt heo trên địa bàn huyện đều tự ý giết mổ ở nhà, rất khó cho cơ quan trong việc kiểm dịch, nay hai anh Vĩnh – Hoàn xây dựng cơ sở giết mổ tập trung là tốt, rất thuận lợi cho cơ quan trong việc kiểm soát được nguồn thịt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện, góp phần đảm bảo, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng nói chung.

Dù chưa thể biết trước lời - lỗ ra sao khi mạo hiểm bỏ ra số tiền không nhỏ đầu tư vào nhưng việc làm của hai nhà nông “khác người” thật đáng hoan nghênh, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới như hiện nay.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai