http://baogialai.com.vn/channel/1763/201207/Hoa-Nha-My-o-thac-Phu-Cuong-2173547/


Hoa Nhã My ở thác Phú Cường

Thứ Ba, 24/07/2012, 19:28 [GMT+7]
(GLO)- Có một nhà thơ “có tiếng” ở Phú Thọ hơn một lần đến Gia Lai và ghé thăm thác Phú Cường, rồi thêu dệt nên huyền thoại về một loài hoa đã khiến những người thích phiêu lưu, khám phá như chúng tôi có một chuyến hành trình thú vị về nơi ấy…
 
“…Hoa nhã my níu bước viễn du
Cánh hoa lạc nhuộm tím chiều phố núi…”

 
Hùng vĩ thác Phú Cường. Ảnh: Nguyễn Tú
Hùng vĩ thác Phú Cường. Ảnh: Nguyễn Tú
Nhóm bạn tôi gồm năm người, năm độ tuổi, năm tính cách, năm nghề nghiệp và năm quê hương khác nhau nhưng gặp nhau ở phố núi chung nhiều sở thích. Anh em tự đến với nhau, rồi thân thiết. Cuối tuần vừa rồi, nhân tiện nhà thơ Xuân Thu - Phó chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Thọ gửi tặng tập thơ “Bờ tre cuốc gọi”. Tôi cầm sách mới, không quên lật vội và rất ấn tượng với bài thơ “Hoa nhã my”. Được biết, tác giả đã viết nó ở thác Phú Cường.

Chúng tôi vô cùng phấn khích, vội làm cuộc hành trình về nơi khơi nguồn cho sự ra đời của bài thơ và tìm loài hoa có cái tên mĩ miều ấy - hoa nhã my. Thác Phú Cường là một thắng cảnh nổi tiếng ở Gia Lai, thuộc xã Dun, huyện Chư Sê, cách TP. Pleiku hơn 40 km về phía đông. Đây là điểm du lịch lý tưởng cho khách thập phương.

Chạy xe máy hơn một tiếng, qua những vườn cao su, cà phê xanh ngắt như vô tận. Chúng tôi đã có mặt cổng chính để mua vé vào thăm quan. Mùa này, không khó khăn lắm để mua vé, bởi vắng khách. Thác Phú Cường khác xưa nhiều lắm. Trước đây khu vực này còn hoang sơ, đường vào thác rất khó đi và cũng chẳng ai bán vé để mà mua nên cứ “xộc” thẳng mà vào. Nay, một con đường mới rải nhựa dẫn xuống đến sát nơi đi xuống thác và cây cầu thang mới bằng thép thay thế cho cầu thang gỗ trước kia lung lay, rung rinh khi có chân người bước xuống, khiến cho du khách “tim đập chân run” khi lên, xuống thác.

 
Thác Phú Cường nơi khởi nguồn của bìa thơ hoa Nhã My trong tập thơ Bờ tre cuốc gọi. Ảnh: Nguyễn Tú
Thác Phú Cường nơi khởi nguồn của bìa thơ hoa Nhã My trong tập thơ Bờ tre cuốc gọi. Ảnh: Nguyễn Tú
Bên cạnh đường xuống thác có một hồ nước mới đào, có nhiều thuyền Thiên nga đậu chờ khách. Từ trên cao đã nghe thanh âm của tiếng nước ào ào đổ xuống. Bước bộ qua 120 bậc thang, một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ hiện ra trước mắt. Một bãi đá rộng, có nhiều hòn đá to nhỏ đủ kích cỡ xếp lớp bên nhau. Chúng tôi thích thú nhảy trên những hòn đá để đến chân thác, từ trên cao khoảng 50 thước những cột nước đổ xuống như những dải lụa, tung bọt trắng xóa, hơi nước bốc lên tạo thành một làn khói mỏng phủ kín chân thác.

Ánh nắng chiếu xuyên qua tạo thành một cầu vồng bắc ngang qua, không ít người trong đoàn phải trầm trồ, trước vẻ đẹp có một không hai này. Ở dưới chân thác không khí thật trong lành, từng cơn gió thổi nhẹ mang theo hơi nước mát lạnh. Chúng tôi, tự chọn cho mình một bãi đá bằng phẳng dưới một gốc cây, ngồi ngắm cảnh.

Nhìn từng đợt nước đổ mình xuống, tự tôi liên tưởng đến mái tóc của người thiếu nữ xuân thì thời xa vắng. Tôi nhớ ngày trước, để chuẩn bị cho một lần gội đầu, các mẹ, các chị, các em phải mất cả giờ đồng hồ để chuẩn bị cho mình nồi nước gội, phải đi tìm các loại lá thảo dược trong vườn, đem về trộn lẫn với nhau và đun sôi, sau khi để nguội đem ra gội đầu. Những dòng nước mát, thơm phức mùi tinh dầu bưởi, sả, hương nhu… từ từ chảy xuống ngấm dần vào từng lọn tóc. Và, tôi đã từng ngồi hàng giờ để được ngắm cảnh những người phụ nữ thân thiết trong gia đình tôi gội đầu. Ngày nay, hiếm ai còn thấy cảnh một người phụ nữ tự hái cho mình một nồi lá thảo dược để gội đầu và cũng hiếm còn những mái tóc dài chấm lưng…

Có tiếng gọi làm tôi giật mình trở về thực tại, mấy anh bạn trong đoàn bảo tôi: Đã bảo về thác Phú Cường tìm hoa nhã my, thì đi tìm sao ngồi ngẩn ra thế? Rồi cả bọn cùng cười nắc nẻ. Chúng tôi quý cái tình của một người bạn ở xa tít ngoài kia dành cho Gia Lai nên đã hành trình về với nơi khơi nguồn cho những vần thơ, chứ hoa nhã my nó mang mệnh lá diêu bông. Chúng tôi tìm đâu được! Nhưng có một điều chắc chắn là nhà thơ Xuân Thu biết loài hoa này, vì đã từng:

“Xòe bàn tay nâng bông nhã my
Úp mặt vào hoa tôi rưng rưng chực khóc
Lặn lội kiếm tìm suốt một đời khó nhọc
Gặp hoa rồi mà lòng vẫn chưa tin…”

 
Mây theo gió bay về phía cuối trời và ông mặt trời đã ngự trên những ngọn núi phía tây nhưng chưa muốn chìm dần vào đêm tối, vẫn nở nụ cười ngạo nghễ. Có lẽ ông trời đang vui niềm vui chung với chúng tôi. Tạm biệt nhé Phú Cường!
                                                                                                                                                               Nguyễn Tú
Vỹ thanh:
Hoa nhã my là cách đọc chệch từ hoa Bơ nga Ia Mik (tiếng Jrai), do thầy Như Bá bày ra và nhà văn Xuân Thu đã thêu dệt thành Huyền thoại nhã my. 
bài này mình viết chưa hay lắm, sẽ cố gắng hơn. trong bài, mình thích nhất câu: "hoa nhã my mang mệnh lá diêu bông" và nhiều người thích câu này lắm. có người bảo chép của ai, mình bực lắm nhưng k muốn cãi làm gì. bây giờ dọc lại mình cũng bất ngờ, sao mình có thể nghĩ ra câu này nhỉ.ha.ha... 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai