http://baogialai.com.vn/channel/721/201208/Nhoc-nhan-huan-luyen-cho-nghiep-vu-2177939/


Nhọc nhằn huấn luyện chó nghiệp vụ

Thứ Bảy, 11/08/2012, 16:24 [GMT+7]
(GLO)- Ở Gia Lai có một đơn vị chuyên huấn luyện chó nghiệp vụ, đó là Cụm cơ động chó nghiệp vụ 3 ở phường Thống Nhất, TP. Pleiku thuộc Trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ. Đến đây, chúng tôi mới hiểu rằng để huấn luyện được một con chó nghiệp vụ, cán bộ chiến sĩ Bộ đội phải đổ mồ hôi, thậm chí cả máu…

Thiếu tá Nguyễn Đức Minh cho biết: Huấn luyện chó nghiệp vụ đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ. Trước hết, để trở thành huấn luyện viên, các chiến sĩ phải trải qua các khóa học huấn luyện chó nghiệp vụ, khi tốt nghiệp trở thành huấn luyện viên tham gia huấn luyện chó nghiệp vụ, bản thân người huấn luyện phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy. Vì thế, công việc này đòi hỏi các huấn luyện viên phải có lòng yêu nghề.

 
Ảnh: Nguyễn Tú
Ảnh: Nguyễn Tú
Một ngày làm việc của cán bộ chiến sĩ bắt đầu 6 giờ sáng và kéo dài đến 5 giờ chiều. Một huấn luyện viên chỉ huấn luyện riêng cho một chó nghiệp vụ. Huấn luyện viên phải chăm sóc, làm vệ sinh cá nhân, dọn dẹp chất thải, kiểm tra thân nhiệt cho chó nghiệp vụ trước và sau giờ huấn luyện. Bên cạnh đó phải tổ chức huấn luyện thường xuyên để chó nghiệp vụ có những phản xạ có điều kiện, thực hiện theo mệnh lệnh của huấn luyện viên.

Theo những lời kể của các chiến sĩ ở đây, huấn luyện chó nghiệp vụ là công việc cực kỳ gian truân. Bởi, chó nghiệp vụ có thân hình to, khỏe và hiếu động, đòi hỏi vị huấn luyện viên có sức khỏe dẻo dai để có thể cùng với chó nghiệp vụ vận động trên thao trường. Tùy vào từng chó nghiệp vụ mà người huấn luyện viên có phương pháp huấn luyện riêng. Bên cạnh đó, huấn luyện viên tự rèn cho mình đức tính kiên trì, nhẫn nại để tập cho chó nghiệp vụ ghi nhớ các động tác thành những phản xạ có điều kiện, có những động tác phải làm đi làm lại cả ngàn lần.

Quan sát Thiếu tá Hoàng Văn Minh huấn luyện chó nghiệp vụ tại thao trường, chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng. Một động tác cắp và giữ mẫu vật trong miệng mà anh phải huấn luyện rất nhiều lần. Ấy vậy mà chú chó vẫn tỏ ra lơ là. Hình như hôm nay chú khuyển không muốn tập động tác này thì phải! Đoán được điều này, vị huấn luyện viên lão làng đã 23 năm trong nghề chuyển sang tập chạy. Chạy!-dứt khẩu lệnh, huấn luyện viên lao về phía trước, chó nghiệp vụ lao cùng, thầy và trò cùng chạy, hết chạy đến nằm, ngồi, bò, vượt chướng ngại vật, lần này khuyển ta như đã quen, thực hành rất thuần thục và nghiêm túc.

Thiếu tá Hoàng Văn Minh kể: “Dạy chó không khác gì dạy một đứa trẻ, phải cho ăn, tắm rửa, vệ sinh, chơi cùng chúng khi đó chúng mới quý mình và nghe theo mệnh lệnh huấn luyện của mình. Và, cũng phải đối mặt với những nguy hiểm. Có những khi phải hóa thân thành “quân xanh” tự làm mồi cho chó cắn, cũng như việc tiếp xúc với chó nhiều dễ bị lây các bệnh dịch”.

Cụm trưởng Nguyễn Đức Minh kể: Khốn khổ nhất là khi trời mưa, anh em phải túc trực tại các chuồng chó đề phòng trường hợp bất trắc xảy ra như gió to làm bung mái tôn, kịp thời sơ tán chó đến nơi khác. Mùa mưa vào cao điểm thì việc anh em thức trắng đêm túc trực không còn là hiếm.

Mồ hôi, nước mắt của các cán bộ chiến sĩ đã đổ giữa thao trường và họ đã gặt hái được những thành công. Những chú chó sau khi huấn luyện được chuyển đến các đồn biên phòng đã làm tốt nhiệm vụ của mình, trong việc hỗ trợ chiến sĩ biên phòng bảo vệ an ninh, quốc phòng. Mới đây nhất, đội chó nghiệp vụ của Cụm tham gia diễn tập thực binh tại Binh đoàn 15 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Tư lệnh Binh đoàn tặng bằng khen. Vinh dự đó là động lực để anh em cán bộ chiến sĩ nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Nguyễn Tú

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai