Gọi đất dậy nẩy mầm xanh tươi


 NGUYỄN TÚ
Hễ nhìn thấy ngọn cỏ đuôi chuồn (còn gọi cỏ mỹ, cỏ hồng) màu hồng phất phơ theo ngọn gió từ hướng Tây thổi ngược về, trong tôi rưng rưng những xúc cảm về quá khứ nghèo đói lẫn niềm tự hào của cuộc sống đủ đầy hơn nơi vùng biên viễn huyện Ia Grai (Gia Lai). Di dân xây dựng kinh tế mới và người sở tại cùng đánh thức những thớ đất khô cằn thành rẫy nương xanh tốt.

Quê tôi nằm dưới dãy núi Hoành Sơn, tỉnh Hà Tĩnh-một vùng đất bán sơn bán thủy. Từ năm 1996 trở về trước, người dân quê tôi lay lắt vì đói nghèo. Con cá được đánh bắt về từ những con thuyền bé tin hin hay hạt lúa một vụ từ cánh đồng giữa núi và biển không đủ giúp dân quê tôi thoát cảnh nghèo đói. Đến mùa giáp hạt, dân quê tôi đói đến mức phải lên rừng hái lá rau má, đào củ mài, củ chuối về ăn thay cơm.
Khát vọng thoát nghèo đã thôi thúc khiến người dân quê tôi lần lượt di tản khắp cả nước mưu sinh. 2 bác ruột của tôi chuyển hẳn gia đình vào Gia Lai định cư và trồng cây cà phê. Những người cậu của tôi vừa học xong cấp 2 đã theo những chuyến xe vào các tỉnh miền Tây làm mướn bằng nghề đánh bắt hải sản trên biển. Ba tôi quyết định nghỉ việc ở UBND xã rồi chuyển cả gia đình vào Gia Lai định cư theo chương trình xây dựng kinh tế mới của một đơn vị quân đội.
Trước rằm tháng 7-1996, ba dẫn tôi ra khu nghĩa địa của xã ở gần biển thắp hương cho tổ tiên. Lễ cúng gần xong, ông xúc một ít cát bỏ vào túi nhỏ, tay hươ qua lại trên những nấm mộ đắp bằng cát, miệng nhẩm khấn rồi đưa tôi xách về nhà. Về đến một hồ sen mênh mông nước ở giữa cánh đồng xã, ông bảo tôi: “Dân xã mình còn truyền nhau câu sấm với nội dung bao giờ đá nổi sen chìm thì mới hết nghèo. Phải đi vào miền Nam con ạ, vô đó ắt no đủ”!. Nói rồi, ba tôi chắp tay về phía nghĩa địa mà khẩn rằng, nếu sau no đủ, con cháu sẽ về xây cho tổ tiên lăng mộ đàng hoàng.
Cả nhà tôi chuyển vào Gia Lai sau rằm tháng 7-1996. Sau nhiều ngày vạ vật với xe cộ, chúng tôi đến nhà bác ruột ở xã Ia Krai (huyện Ia Grai). Trong đầu tôi còn hiện rõ ký ức ngày đầu đến nơi đây, bởi vùng đất này khác xa ngoài quê, từ màu đất đến những ngôi nhà xây kiên cố, xe máy và những bữa cơm sung túc. Được ít lâu, thì chúng tôi chuyển vào đội sản xuất mới cách nhà bác khoảng 3km, nay là xóm 4, thôn 2, xã Ia Krai. Đội này chủ yếu di dân từ miền Trung được tuyển dụng vào làm công nhân trồng, chăm sóc cây cao su cho một công ty quân đội theo chủ trương xây dựng kinh tế mới của Nhà nước. Ngày đầu chuyển vào ngôi nhà tạm thưng cót, ba tôi cẩn thận mở túi vải nhỏ bốc từng nắm cát bỏ vào lư hương đặt lên bàn thờ. Thời gian này, cuộc sống của gia đình tôi và hơn 100 công nhân khác ở cùng đội gặp nhiều khó khăn nhưng có đủ gạo để ăn chỉ thiếu thức ăn. Gạo được cấp phát. Rau ở rừng. Cả một vùng đất mới khai hoang, đất đai, cây cối nham nhở, đường xá chưa có. Họa hoằn mới có bữa ăn với cám thịt nhờ đội ngũ bán dạo được gọi là “chợ 2 sọt” chở vào. Những công nhân muốn mua thức ăn, đồ đạc phục vụ cuộc sống phải đi bộ đến một khu chợ cách nơi ở khoảng 4km. Nếu gặp mùa mưa thì ăn rau rừng cả tháng. Ba mẹ tôi cùng những công nhân trong đội sản xuất khai hoang trồng cây cao su, cà phê, điều. Họ vừa trồng cây cho công ty, vừa khai hoang trồng cho gia đình. Những đôi bàn tay chai sạn sương gió bổ cuốc xuống đất khô để đào hố, phát cỏ đuôi chồn, tre nứa để trồng cây công nghiệp. Đám trẻ chúng tôi, một buổi đi bộ 8km đi bộ đến trường và về lại nhà, buổi ra nương rẫy phụ gia đình. 
Thời ấy, vùng này thuộc xã Ia Krai, sau chia tách làm 2 là Ia Krai và Ia Khai; đời sống của người dân khó khăn. Công nhân ở xóm 4 hay dân các làng người Jrai ở gần đó như: Ó, Ếch, Jăng Krai, Tung Chruc… cũng nghèo lắm. Cái đói nghèo đã xích họ đến gần nhau. Người Kinh và người Jrai san sẻ với nhau lúc khó khăn. Già Rơ Lan Thôn, vợ chồng cô chú Xu-Din ở làng Ó thường xuyên cho gia đình chúng tôi rau quả trồng trên rẫy. Ba mẹ tôi thường biếu ngược lại những gói muối, áo quần, dép hay vào làng hướng dẫn trồng cây cối… Cũng có người không chịu nổi khó khăn đã chuyển đi nơi khác. Có người nằm lại lòng đất vì bệnh tật trong ngày đầu ở nơi rừng núi hoang vu.
Những năm sau, các loại cây trồng bén rễ lên xanh tốt giúp đời sống của gia đình chúng tôi cùng các hộ trong đội sản xuất và dân làng Jrai trong vùng khởi sắc hơn. Nhiều công nhân trong đội sản xuất ở xóm 4 đã mua được xe máy, làm nhà kiên cố, mua được thêm đất đai mở rộng sản xuất, trồng trọt. 
Sự giao thoa đã giúp người Jrai thay đổi về mặt nhận thức. Từ việc đến mùa đốt rừng chọc tỉa, người dân sở tại đã bắt đầu trồng cà phê, cao su. Một số thanh niên các làng vào làm công nhân cao su ở các đội. Ngoài ra, họ cũng bắt đầu thay đổi khi làm nhà ở. Những ngôi nhà cấp bốn láng nền xi măng dần thay thế cho nhà sàn. Điển hình trong việc tiếp thu những cái mới là gia đình cô chú Xu-Din. Chú Xu là người tiên phong trong làng Ó làm nhà cấp 4 thay nhà sàn và trồng cà phê. Gia đình chú còn đào giếng, làm nhà vệ sinh riêng, dời chuồng trại nuôi bò ra xa nhà ở. Gia đình ông Ty (làng Ó) thì tiên phong trồng cả 10 ha cây cao su. Gia đình chú Phinh ở làng Ếch (nay thuộc xã Ia Khai) cũng bắt đầu trồng 2 ha cà phê, cao su. Ở làng Jăng Krai (nay là xã Ia Khai), hộ ông Rơ Lan Piêu tiên phong trồng mấy ha cây điều. 
23 năm kể từ khi gia đình tôi chuyển vào xã Ia Krai định cư. Chính những loại cây trồng như cao su, cà phê, điều đã giúp đời sống dân cư phát triển theo chiều hướng tích cực. Nơi gia đình tôi ở đã hình thành một khu dân cư đông đúc. Toàn xóm 4 có 100 hộ thì có 98 nhà xây kiên cố. Trong đó có những ngôi nhà xây trị giá gần 1 tỷ đồng. Nhiều hộ có kinh tế khá giả như nhà chú Đậu Xuân Toàn, Nguyễn Văn Thập, Nguyễn Quang Trung… Kinh tế gia đình tôi cũng ổn định hơn xưa nhiều. Ba mẹ tôi và những thế hệ đầu tiên vào xây dựng kinh tế ở đội sản xuất cũng đã nghỉ hưu. Con cái của những người tiên phong xây dựng kinh tế mới ở đây đang chung tay xây dựng quê hương mới. 
Những ngôi làng người Jrai nơi đây cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Dọc theo các con đường nhựa dẫn vào làng Ó, Ếch, Jăng Krai… sẽ không khó để bắt gặp những ngôi nhà xây khang trang, to đẹp. Làng Ó trở thành làng có điều kiện kinh tế nhất nhì của xã Ia Krai. Ở xã Ia Khai là làng Jăng Krai. Ông Ty, người tiên phong trồng cao su ở làng Ó đã về với tổ tiên, con cái ông vẫn đang khai thác mủ cây cao su và có cuộc sống khấm khá. Chú Xu qua đời vì bạo bệnh, cô Din vẫn duy trì nếp sống sạch sẽ, trồng cà phê. Ông Piêu ở làng Jăng Krai có đến mấy chục ha trồng cây điều nhưng đã chia đều cho con cái. Cuộc sống gia đình ông khấm khá nhất làng. Riêng làng Jăng Krai có 198 hộ thì chỉ còn có 11 hộ nghèo.
Mới đây, tôi tình cờ gặp ông Rơ Lan Kai-người từng đảm nhiệm nhiều chức vụ ở xã Ia Krai và Ia Khai như: Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã, Thôn trưởng Jăng Krai… Ông Kai đồng tình với tôi rằng, nhờ biết tiếp thu cái mới từ người Kinh đi xây dựng kinh tế mới mà người Jrai các làng ở Ia Krai, Ia Khai nói riêng hay cả 4 xã vùng biên của huyện Ia Grai nói chung đã có sự chuyển biến mạnh về nhận thức. Họ nỗ lực làm lụng để đưa gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; xóa bỏ hủ tục lạc hậu để tiếp thu lối sống mới. Sự chung sức của thế hệ người đi xây dựng kinh tế mới và người sở tại đã biến một vùng đất còn nhiều khó khăn thủa trước thành một vùng trù phú. Bản thân gia đình ông Kai là người tiên phong trồng cà phê, cao su ở làng Jăng Krai rồi vận động các hộ khác cùng trồng. Hiện, kinh tế gia đình ông thuộc hàng khá giả trong xã nhờ  hiệu quả của những loại cây trồng này. Ông Lý Minh Hoàng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krai cũng đồng tình với nhận định đó. 
Những năm gần đây, xã Ia Krai và xã Ia Khai là điểm đến của khách du lịch. Những địa điểm du lịch đã đưa 2 xã này lên bản đồ du lịch tỉnh là thác Mơ làng Ếch); bến đò A Sanh (làng Nú, Ia Khai); đồi Chư Nghé (xã Ia Krai)-di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…Theo ông Dương Mah Tiệp-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai thì huyện này sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển du lịch ở những địa điểm này trong thời gian tới nhằm nâng cao mức sống của người dân.
Đồi Chư Nghé từng là một địa điểm hoang vu đang trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của xã Ia Krai. Tôi nhớ thủa trước, đồi Chư Nghé toàn cây dại và cỏ đuôi chồn. Đến mùa khô, cỏ đuôi chồn chết khô rạp xuống mặt đất khiến ngọn đồi như một vùng đất chết. Dân trong vùng ít người dám lên đồi bởi những quả bom, viên đạn chưa nổ còn sót lại trong hầm hào trên đó. Giờ đây, đứng trên điểm cao nhất của đồi Chư Nghé phóng tầm mắt về xung quanh sẽ thấy ngàn xanh của cây công nghiệp, chen lẫn đó là những khu dân cư đông đúc với nhà xây kiên cố, lợp mái xanh đỏ. Tôi thấy phấn khởi hơn khi nhớ cuộc gọi điện thoại của ba tôi rằng mấy anh em sắp xếp về quê cùng họ hàng sửa lăng mộ tổ tiên và xây bia công đức.
N.T








Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai