Lặng lẽ Cư Bung


https://baogialai.com.vn/channel/721/202004/nhung-canh-doi-duoi-chan-nui-cu-bung-5679774/
Nơi thung lũng bằng phẳng dưới chân núi Cư Bung (thuộc xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) có 79 nóc nhà của dân di cư tự do. Đây là “bãi đáp” của 79 hộ dân tứ xứ mang khát vọng thoát nghèo trong công cuộc mưu sinh. Dù vậy, khó khăn vẫn đang bủa vây lấy khu di dân tự do này. Phương án di dời được các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai xây dựng và dân di cư tự do đang trông ngóng ngày chuyển về khu tái định cư mới.
Long đong phận người
Khu Cư Bung trở thành chỉ dẫn địa lý để nói về thung lũng rộng 229 ha, nằm cách trung tâm xã Ia Le hơn 20km và có 79 hộ dân di cư tự do sinh sống, làm rẫy. Khu vực này có dãy núi cao là ranh giới tự nhiên giữa xã Ia Le với huyện Phú Thiện (Gia Lai) và huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lắc). Để đến được khu Cư Bung, chúng tôi phải chạy xe máy hơn 45 phút trên con đường đất ngoằn nghèo. Khó đi nhất là đoạn đường gần đến nơi dân di cư ở. Đường đi là lối mòn nhỏ giữa rẫy nương. Nền đường toàn cát, khó đi. 
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là của gia đình ông Lê Văn Thịnh. Ông Thịnh là người có uy tín ở khu Cư Bung. Với các hộ dân di cư, ông Thịnh được xem như sợi dây liên lạc với chính quyền xã Ia Le. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ thưng ván, lợp mái tôn rộng chừng 20m2, ông Thịnh (55 tuổi) bộc bạch: “Tôi quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Phận tôi không được may mắn cho lắm. Trước lấy vợ nhưng không sinh được con đành ly dị. Tôi bỏ đi khắp nơi kiếm sống rồi dạt vào Bình Dương làm công nhân và cưới vợ mới. Cuộc sống vất vả, phải thuê trọ ở. Năm 2012, khi nghe ngoài này bán lại 3ha đất chỉ khoảng 100 triệu, vợ chồng tôi chạy vạy cho đủ rồi ra đây mua miếng đất với hi vọng cuối đời còn có miếng đất cắm dùi, chứ làm thuê miết, tủi lắm. Từ khi mua xong đến nay, tôi chuyển ra đây ở hẳn làm rẫy, trồng cây còn vợ vẫn ở trong đó thuê trọ, làm công nhân nuôi 2 đứa con học lớp 2 và lớp 8. Nay nghỉ học vì dịch Covid-19, 2 đứa con ra ở chơi với tôi, vợ vẫn ở trong đó. Với 3 ha đất, tôi trồng tiêu, điều, cây ăn quả, mỳ nhưng thu nhập chẳng là bao. Chỉ sướng là được ở và làm trên mảnh đất do mình làm chủ”.
Gió từ bốn bề thổi mạnh khiến căn nhà nhỏ lắc lư theo. Chờ trời ngớt gió, ông Thịnh kể tiếp: “Cả khu này có 79 hộ với 262 nhân khẩu, trong đó, có 55 hộ với 181 nhân khẩu là dân di cư, còn lại là dân xâm canh từ các làng phía ngoài của xã Ia Le và huyện Ia Hleo. Nơi này toàn dân tứ xứ, bắc trung nam đều có cả. Hộ vào sớm nhất là từ năm 2003, còn lại là từ năm 2012. Khu này chia làm nhiều cụm khác nhau. Một cụm gồm 18 người Thái ở tỉnh Thanh Hóa. Một cụm người dân ở các tỉnh miền Tây. Một cụm tổng hợp gồm các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Thái Bình, Đak Lắc, Đak Nông… Có hộ ở một mình trên đỉnh núi ấy. Cũng vì ở quê không có đất đai nên dắt díu nhau vào đây làm ăn chứ ở trong này còn khổ lắm. Các hộ dân tự ý vào đây sinh sống nên thiếu thốn tứ bề”.
Xóm người Thái quê huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa nằm cách nhà ông Thịnh khoảng 500m. 18 hộ dân tộc Thái là họ hàng quây quần với nhau trong những ngôi nhà tạm bợ. Họ dắt díu nhau vào đất mới với hy vọng đổi đời. Gia đình ông Vi Thanh Duẩn (50 tuổi) chuyển vào khu Cư Bung ở hẳn từ năm 2013. “Năm 2012, con trai tôi là Vi Văn Khải vào đây và mua được 3 ha đất với giá 90 triệu đồng để làm rẫy. Thấy đời sống trong này đỡ hơn ngoài quê, chúng tôi chuyển vào đây luôn. Vợ chồng tôi, vợ chồng Khải và vợ chồng con gái thứ chuyển hết vào đây. Mỗi nhà mua được mấy ha đất làm rẫy. Dù trong này thiếu thốn nhưng còn có đồng ra đồng vào, chứ ở quê thiếu đói suốt. Cả nhà hơn 10 miệng ăn mà có 1 sào ruộng thì đủ ăn sao được”-ông Duẩn chia sẻ.

Xóm miền Tây cách nhà ông Thịnh khoảng 1km. Cái đói cái nghèo khiến họ phải từ bỏ quê hương lên đất mới mưu sinh. Anh Lê Hoàng Minh (35 tuổi, quê huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho hay: “Chúng tôi đi khắp nơi làm ăn rồi nhưng chẳng ra sao. Nghe trên này có đất đai rộng liền lên mua ít để làm ăn. Ở trong núi tách biệt nhưng đỡ hơn ở quê nhiều, muốn có mảnh đất làm nhà trú mưa nắng mà cũng không có, chúng tôi chỉ biết dong thuyền lênh đênh theo con nước đánh bắt tôm cá rồi bán lại cho người ta mua gạo cơm ăn uống qua ngày thôi”.
Ngóng ngày về khu tái định cư 
Ia Le mùa này nắng nóng cực điểm. Thung lũng dưới chân núi Cư Bung nóng như lửa đốt. Mặt đất khô cứng. Cây cối héo quắt vì nắng. Ao hồ cạn nước. Gió ràn rạt thổi cuốn theo bụi đất bay mù trời. Đám trẻ con nghỉ học vì dịch cúm Covid-19 tụ bạ dưới những bụi cây to tránh nắng. Khuôn mặt chúng nhễ nhãi mồ hôi. Dẫn chúng tôi đi thăm nhà các hộ dân di cư tự do, ông Thịnh ngậm ngùi: “Tất cả các hộ dân ở đây đều dùng nước hồ tự đào để tươi tiêu và giặt dũ. Ăn uống thì mua nước bình đóng chai. Đường xá không có nên nông sản bị ép giá. Mùa nắng đi lại dễ chứ mưa xuống thì lầy lội, trợt trượt. Trường trạm không có. Chợ xa nên một tuần chúng tôi mới đi mua sắm thức ăn 1 lần. Chúng tôi dữ trữ đồ ăn bằng cách chất hết đồ ăn vào trong thùng xốp rồi xếp đá cây thay cho tủ lạnh. Dân di cư tự do nên chẳng được hưởng quyền lợi gì. Ngày trước còn bị xua đuổi vì sống trên đất lâm nghiệp”.
Ở khu dân di cư tự do này có 40 đứa trẻ. Hộ ít thì 1 đứa con, hộ nhiều nhất là 4 đứa. Điều đáng nói là vì tách biệt trong núi, đường xá đi lại khó khăn nên chỉ còn 20 đứa trẻ đi học, chủ yếu là học cấp 1. Anh Vi Văn Khải bùi ngùi: “Ở đây, trẻ con muốn đi học có hai cách. Một là cho qua bên xã Chư Phả, huyện Ea Hleo-cách đây 12km cho con ở nhờ nhà người quen ăn học. Cách hai là đưa ra làng Ia Brêl-cách nơi này 7km nhưng đường khó rất khó đi, mùa nắng đỡ chứ mưa thì chịu chết. Vì đi lại khó khăn nên trẻ con nghỉ học gần hết rồi. Nhà tôi không muốn con thất học nên thuê một ngôi nhà ở bên Chư Phả cho 3 mẹ con ở. Vợ tôi qua đó ở nuôi 2 đứa ăn học, cuối tuần chở nhau về lấy lương thực, đầu tuần sang lại. Vợ chồng em gái tôi, gửi con về Thanh Hóa ở với ông bà nội đi học”.
Thuộc diện di cư tự do nên các hộ dân ở khu Cư Bung không được hưởng các quyền lợi, chế độ phúc lợi an sinh-xã hội. Ngoài ra, một khu di dân tự do tách biệt với bên ngoài và gần rừng sẽ gây khó cho công tác đảm bảo an ninh-trật tự trên địa bàn cũng như công tác bảo vệ rừng.

Với mục đích nhân văn là giúp các hộ di dân tự do có cuộc sống ổn định hơn, các cấp chính quyền huyện Chư Pưh đã xây dựng phương án di dời 55/79 hộ dân khu Cư Bung ra nơi tái định cư ở làng Ia Brel. Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ đầu tư kinh phí hơn 6 tỷ đồng để di dời 55 hộ dân tự do khu Cư Bung đến khu tái định cư mới; trong đó, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là 5,5 tỷ đồng và 550 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân di dời nhà cửa. Chủ tịch UBND xã Ia Le-Lê Thanh Việt-cho biết: “UBND huyện đã giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Ban Quản lý các Dự án Đầu tư Xây dựng huyện xây dựng dự án di dời 55 hộ di dân tự do ở Cư Bung về khu tái định cư mới. Khu vực đó có 79 hộ dân sinh sống, làm rẫy nhưng qua ra soát, thẩm tra thì chỉ có 55 hộ đủ điều kiện được chuyển về khu tái định cư; các hộ còn lại có nhà đất nơi khác, chỉ làm rẫy và xâm canh. Chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với các hộ dân trong đó, có 54/55 hộ đồng ý ra nơi tái định cư mới rồi. Hiện, dự án đã trình lên tỉnh và chờ phê duyệt”.
Tiếp xúc với chúng tôi, đa phần các hộ dân ở khu Cư Bung đều khấp khởi mong chờ ngày được chuyển về khu tái định cư mới. “Khi nghe được chuyển ra khu tái định cư mới ở làng Ia Brêl, dân trong này mừng lắm. Được ra đó ở sẽ thuận tiện cho việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày và cho con cháu học hành. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm triển khai dự án để được ra đó ở”-chị Vi Thị Chon nói.
         Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thạch-Phó Giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Chư Pưh cho biết: “Huyện Chư Pưh đã trích hơn 430 triệu đồng mua 2,6 ha đất ở làng Ia Brêl để làm khu tái định cư cho các hộ dân di cư tự do ở xã Ia Le. UBND huyện cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt chủ trương san ủi mặt bằng, xây dựng đường giao thông khu tái định cư, đường giao thông ra khu sản xuất; còn các hạng mục khác sẽ đầu tư bằng nguồn vốn khác. Hiện nay, chúng tôi đang chờ ý kiến của lãnh đạo tỉnh”.
NGUYỄN TÚ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai