http://baogialai.vn/channel/1625/201111/Huyen-ia-Grai-do-dang-mot-he-thong-cung-cap-nuoc-sinh-hoat-2114240/

Huyện Ia Grai: Dở dang một hệ thống cung cấp nước sinh hoạt

Cập nhật lúc 10:38, Thứ Tư, 30/11/2011 (GMT+7)
(GLO)- Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009, tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng, trong đó có 3,7 tỷ đồng từ nguồn vốn JBIC do Nhật Bản tài trợ, còn lại là nguồn vốn ngân sách đối ứng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể vận hành hệ thống.

Tháng 4-2008, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt kế hoạch điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thị trấn Ia Kha, giao cho UBND huyện Ia Grai làm chủ đầu tư, Công ty Kinh doanh Vật liệu Xây dựng Gia Lai là đơn vị đảm nhận thi công, Ban Quản lý dự án Xây dựng huyện Ia Grai giám sát việc thi công. 

Khu vực điều hành hệ thống cung cấp nước sinh hoạt thị trấn Ia Kha. Ảnh: Hoành Sơn
Khu vực điều hành hệ thống cung cấp nước sinh hoạt thị trấn Ia Kha. Ảnh: Hoành Sơn
Đến cuối năm 2009, công trình chính thức khởi công với các hạng mục sau: Khu xử lý nước, đài nước, 4 giếng khoan và hệ thống ống dẫn nước… Sau một năm thi công, về cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính của dự án, nhưng mãi đến ngày 24-11-2011, Ban Quản lý dự án Xây dựng huyện Ia Grai tiến hành bàn giao cho Đội Quản lý Đô thị thị trấn Ia Kha trực tiếp quản lý và vận hành hệ thống cung cấp nước sinh hoạt thị trấn Ia Kha.


Dự kiến ban đầu, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt sử dụng nguồn nước từ 4 giếng khoan, công suất 1.200 m3/ngày đêm, và bể chứa có thể tích 150 m3 cung cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân dọc theo các trục đường chính trong thị trấn, nhưng đến nay còn nhiều vướng mắc nên hệ thống chưa thể hoạt động. Nguyên nhân là chưa thể xác định được mức giá nước sạch để bán cho khách hàng sử dụng. Đội Quản lý Đô thị thị trấn Ia Kha dự kiến mức giá sẽ là 3.500 đồng/m3 cho hộ người Kinh và 3.000 đồng/m3 cho hộ người dân tộc thiểu số; ngoài ra còn số tiền để lắp đồng hồ nước khoảng 2 triệu đồng/hộ. Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện đã phê chuẩn mức giá này và đang chờ lãnh đạo tỉnh thẩm định và phê duyệt. Bên cạnh đó, hệ thống ống dẫn nước từ các nhánh chính vào nhà dân cũng chưa có và chưa gắn đồng hồ nước. Do vậy, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt nơi đây vẫn đang “đắp chiếu” chưa thể đi vào hoạt động.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần người dân trong thị trấn không mặn mà với dự án này, vì tất cả các hộ dân đều đang sử dụng nước giếng đào. Bà Nguyễn Thị Soan-ngụ tại khối phố 6, thị trấn Ia Kha nói rằng: Tôi thấy họ đến đào đường lắp ống nước và vận động người dân nên sử dụng nước do hệ thống mới cung cấp phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng cũng có nhiều đoàn người đến lấy mẫu thử và xác định nước giếng của chúng tôi vẫn tốt. Chúng tôi đang phân vân, liệu nước sạch của nhà máy có bằng nước giếng không và giá cả như thế nào?

Không hiểu trước khi xây dựng đề án nước sinh hoạt cho cư dân trong thị trấn các cơ quan liên quan đã tìm hiểu kỹ về nhu cầu sử dụng của người dân hay chưa? 

Theo ông Nguyễn Hữu Phong- ngụ tại thôn Thắng Cường cho biết: Đây là công trình nước sạch thứ 3 được xây dựng trên địa bàn thị trấn Ia Kha. Trước đó đã xây một đài chứa nước, nay vẫn còn dấu tích trong khuôn viên Nhà Thi đấu Thể thao huyện. Sau này có xây thêm một bể nước sạch trên khu vực khối phố 6, dự định lấy nước từ hồ thủy lợi Ia Năng cung cấp cho dân. Không hiểu vì lý do gì mà cả hai công trình đó đều bị bỏ hoang; còn nhà máy nước sạch mới xây xong cũng chưa hoạt động được. Thật lãng phí!

Tính đến thời điểm này, công trình nước sinh hoạt của thị trấn Ia Kha đã bỏ không gần 1 năm, không thể nói là không xuống cấp. Giải thích cho việc hệ thống nước sinh hoạt bị bỏ không 1 năm qua, ông Nguyễn Bổng- Trưởng ban Quản lý dự án Xây dựng huyện Ia Grai nói: Công trình hoàn thành vào cuối năm 2010 nhưng vì chờ UBND huyện thành lập đơn vị quản lý nhà máy nước và chờ thẩm định mức giá bán nên chưa thể bàn giao. Mới đây, chúng tôi đã bàn giao công trình cho Đội Quản lý Đô thị thị trấn Ia Kha.

Xây dựng các công trình phục vụ cho dân sinh là điều đáng làm, nhưng nếu cứ thi công dàn trải, hoặc thi công xong mà không có giải pháp để sớm đưa vào phục vụ người dân thì đó lại là điều đáng trách. Thiết nghĩ các bên liên quan cần sớm có kế hoạch đưa hệ thống cung cấp nước sinh hoạt vào hoạt động đem lại lợi ích cho dân và tránh lãng phí tiền của của Nhà nước.

Nguyễn Tú

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai