http://baogialai.vn/channel/1625/201112/Co-nen-thao-do-cau-treo-Ka-Nak-2115436/


Có nên tháo dỡ cầu treo Ka Nak?

Cập nhật lúc 06:03, Thứ Ba, 06/12/2011 (GMT+7)
(GLO)- Cầu treo bắc qua sông Ba (cầu treo Ka Nak) đến nay đã tròn 18 năm tuổi và đang xuống cấp, chính quyền địa phương muốn tháo dỡ cầu; người dân có nguyện vọng tu sửa và tiếp tục phục vụ cho dân sinh. Đã 2 tháng trôi qua, chính quyền huyện Kbang và người dân vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung trong vụ việc này.

Cầu treo bắc qua sông Ba tại thị trấn Kbang (huyện Kbang, Gia Lai) được đầu tư và đưa vào sử dụng năm 1992, qua quá trình sử dụng đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác giao thông thông thương giữa người dân thị trấn và các hộ dân vùng lân cận bên bờ Tây sông Ba. UBND huyện Kbang, đại diện Sở Giao thông-Vận tải đến kiểm tra và thấy rằng cầu đã hư hỏng và đã nhiều lần ra quyết định tháo dỡ để đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân, còn người dân hai bờ không đồng tình với quyết định này. Đến nay, đã có gần 200 lá đơn kiến nghị giữ lại cầu treo của người dân trong khu vực, người dân bỏ bê công việc, cử đại diện lên các cơ quan liên quan để đề đạt nguyện vọng giữ lại cầu (gần 10 lần). 

Hàng ngàn lượt người lưu thông qua cầu treo Ka Nak. Ảnh: Nguyễn Tú
Hàng ngàn lượt người lưu thông qua cầu treo Ka Nak. Ảnh: Nguyễn Tú
Theo Báo cáo số 144/BC-UBND huyện Kbang, cầu treo Ka Nak thuộc đường Hai Bà Trưng nối dài bắc qua sông Ba, tạo thành một trục đường chính nối 400 hộ dân thuộc tổ 3, tổ 4 và một số lượng lớn dân cư các vùng phụ cận bờ Tây sông Ba với trung tâm thị trấn Kbang. Trước đây, đây là con đường độc đạo, nhưng nay UBND huyện Kbang đã xây dựng mới cầu bê tông vĩnh cửu Ka Nak, cách cây cầu treo khoảng 400 mét, thuận tiện hơn cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, chuẩn bị hoàn thành 2 cây cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua sông Ba cách cầu treo 1 km đến 1,5 km và cầu đường Trường Sơn Đông cách nhau về phía Bắc hơn 500 mét.


Trên thực tế, cầu bê tông vĩnh cửu Ka Nak dù mới xây dựng nhưng diện tích lòng cầu hẹp, khi xe ô tô có trọng tải lớn chạy qua sẽ chiếm gần hết lòng cầu, các phương tiện giao thông khác phải dừng lại ở hai đầu cầu để chờ, nếu có xe trọng tải lớn chạy ngược chiều gặp nhau trên cầu thì một trong 2 xe phải có xe lùi trở lại nhường đường, hàng ngày có rất nhiều lượt xe ô tô lưu thông qua cầu, gây ách tắc giao thông, tiêu tốn nhiều thời gian và mất an toàn giao thông. 

Còn các cây cầu còn lại đang hoàn thành nhưng đều được xây khá xa hoặc chưa có đường đến các cầu đó, rất bất tiện cho người dân. Cho nên, dù cầu treo đã có thông báo cấm và làm khung sắt tạm để hạn chế phương tiện lưu thông nhưng hàng ngày vẫn có hàng ngàn lượt người qua lại cầu treo, chủ yếu là người đi bộ và xe máy, nhiều nhất trong số đó là các em học sinh. Bởi các trường đều đóng bên kia cầu, qua cầu treo các em đến trường nhanh hơn và phụ huynh sẽ không phải mất nhiều thời gian để đưa đón.

Với các hộ dân thuộc tổ 3, tổ 4 và các vùng lân cận thì cây cầu treo ngoài việc phục vụ giao thương, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo còn có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần. “Nhờ cây cầu mà chúng tôi qua đây lập làng, ban đầu chỉ có mấy chục hộ nhưng đến nay đã có hàng trăm hộ. Cầu treo là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm hỷ, nộ, ái, ố… của những người dân sinh sống lâu nơi đây. Chúng tôi mong muốn giữ cầu như giữ lại một nét văn hóa cho con cháu đời sau. Kính mong các cấp chính quyền thấu hiểu cho người dân, xin đừng để người dân mất lòng tin”- đó là tâm sự của nhiều người dân hai bên cầu, những người đầu tiên mở đất lập làng, cây cầu đã gắn bó máu thịt, in hằn trong tâm trí của những người dân nơi đây và là nơi để mỗi người con khi đi xa luôn nhớ về.

Trong các buổi tiếp dân, người dân đã kiến nghị các cấp chính quyền nên cấp kinh phí tu sửa lại cầu treo, nếu thiếu kinh phí có thể cho người dân đóng góp thêm, sau khi tu sửa người dân sẽ trực tiếp quản lý và bảo vệ cầu. 

Còn ông Nguyễn Đăng Chung- Chủ tịch UBND thị trấn Kbang cho biết: Sau khi lập đoàn khảo sát, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tạm thời ngừng lưu thông qua cầu treo 3 đến 6 tháng, sau khi các kết cấu giao thông đã đồng bộ sẽ tiến hành tháo dỡ. Chúng tôi đang tổ chức các cuộc họp tuyên truyền đả thông tư tưởng cho người dân, để người dân hiểu được chủ trương của tỉnh.

Nguyễn Tú

Nhận xét

  1. bài đăng nhưng mình vẫn chưa bằng lòng với bài viết này.hi.hi.............

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai