Mong mỏi một ngôi trường


Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơr:       

Mong mỏi một ngôi trường

Nguyễn Tú



Làng không có điểm trường, lại ở cách xa trường trung tâm xã 20 km, đường xá đi lại khó khăn, học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc đưa đón các em đến trường. Giải pháp được nhiều phụ huynh lựa chọn nhất là đưa con qua học các trường của xã Ea Rook, huyện Ea Súp, Đăk Lắc (cách làng 7km) hoặc gửi các con ở nhà bố mẹ đẻ để được theo học.



Làng Thanh niên lập nghiệp, nay được gọi là làng Ring thuộc xã Ia Mơr, huyện Chư Prông được thành lập từ năm 2007, với nòng cốt là các thanh niên tình nguyện lên lập nghiệp, xây dựng kinh tế theo sự phát động của Tỉnh đoàn, có tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng, gồm 108 hộ thanh niên với 181 nhân khẩu và trên 3.000 ha đất. Đã 5 năm trôi qua cuộc sống của người dân đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, khó khăn nhất là việc đi học của con cái các thành viên thanh niên lập nghiệp của làng. Mong ước lớn nhất của các hộ dân nơi đây là sớm có được một ngôi trường để các cháu có chỗ học hành.

Đã qua 5 năm, trong “sổ bạ” của làng đã có thêm 20 thành viên nhí, những thế hệ tương lai của làng, kết tinh của tình yêu nảy nở trên vùng đất khó. Đa phần các em này đều trong độ tuổi đến trường. Ấy vậy mà làng vẫn chưa có điểm trường, muốn xuống trường THCS Nguyễn Văn Trỗi tại trung tâm xã Ia Mơr học, phải qua 20 km đường rừng, mùa nắng thì bụi, mùa mưa lầy lội. Thậm chí vào những tháng cao điểm của mùa mưa, đường xá bị cày nát, làng bị cô lập với trung tâm xã Ia Mơr. Trong khi đó, chỉ cần qua 7 km đường là đến trung tâm xã Ea Rook, huyện Ea Súp, Đăk Lắc, đường xá đi lại thuận tiện hơn. Do đó, các hộ dân trong làng đều lựa chọn phương thức đưa con qua học tại các trường học đóng chân trên địa bàn xã Ea Rook như: Trường mầm non Hoa Lang, trường Tiểu học Nguyễn Trãi… hoặc gửi các cháu ở quê nhà ở nhờ nhà bố mẹ đẻ, để con cái được đến trường.

Nhà Trưởng thôn Phạm Minh Hiển – Nguyễn Thị Hương có hai cháu, một 6 tuổi và một 7 tuổi đang học học tại trường mầm non Hoa Lang thuộc xã Ea Rook. Các con còn quá nhỏ không thể gửi ở nhà cho bố mẹ, anh chị để hai cháu ở cùng gia đình, phân công nhau đưa đón hai cháu đi học, sáng chở đến trường chiều tối qua đón về.

Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Nguyễn Thị Hải, con trai Hà Công Anh của chị đang theo học lớp 5 tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi thuộc xã Ea Rook. Trước đây, gia đình chị gửi cháu cho ông bà ngoại tại Ia Lâu, nay ông bà lớn tuổi không thể chăm sóc cho cháu, chị chuyển cho cháu Anh vào ở cùng gia đình và hằng ngày đưa đón cháu đi học. Nhưng vì đường xá đi lại khó khăn, trường cấp II ở xa, chị đành cho cháu học lại lớp 5 trong khi đáng ra, con chị đã lên lớp 6. Chị Hải buồn rầu: lúc mới chuyển lên, bắt con học lại thấy con buồn mình cũng xót lắm nhưng vì trường học xa quá mà đi lại bất tiện, đành để cháu ở lại một năm. Tôi đang lo năm tới cháu lên lớp 6, chuyển lên cấp II, không biết cho cháu học ở đâu đây, mà bắt cháu bỏ học thì không nỡ, phải chi có một điểm trường ở đây thì đỡ biết bao!

 Theo các hộ gia đình, mặc dù các trường bên tỉnh bạn (Đăk lắc) đã tạo điều kiện cho các em được học tập, nhưng các em cũng gặp không ít khó khăn, các chế độ đãi ngộ không dành cho các em học sinh khu vực miền núi không hề có, ngược lại nếu các em học tại tỉnh ta sẽ được hưởng những ưu đãi đó. Đó là chưa kể gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý con cái, khi đưa các con qua học bên tỉnh bạn. Nhiều khi các em học cả ngày nên các em ở lại ở buổi trưa, không ai quản lý, các em dễ sa đà vào các trò chơi vô bổ, theo kẻ xấu lêu lổng, bỏ bê việc học. Chị Hương kể: có hôm vì công việc đột xuất, tôi ghé qua trường, thấy con em các gia đình trong làng đang chơi trong quán Internet, tôi đuổi vào lớp và dọa sẽ kể với thầy cô giáo chủ nhiệm và gia đình, thế là cuống quýt chạy vào trường. Tôi đang lo đến khi các con lớn thêm chút nữa, chúng ham chơi không học hành thì khốn khổ.

Bên cạnh đó, còn có nhiều chuyện bi hài xung quanh chuyện đón con. Vui nhất là việc đi đón con của các bậc bố mẹ, 7 km đường rừng nhưng có nhiều đường tắt, ngã rẽ khác nhau, nhiều khi con bố mẹ đi đón con một đường, con đi một nẻo, con về đến nhà còn bố mẹ vẫn loay hoay đi tìm. Có khi, bố mẹ bận công việc đón con muộn, tự đi về lạc đường phải nhờ cả làng đi tìm con, đến khi tìm được, cả bố mẹ và con cái đều đỏ hoe mắt.

Mong mỏi một ngôi trường đó là nguyện vọng lớn nhất của tất các hộ thanh niên lập nghiệp tại làng. Theo tìm hiểu của chúng tôi qua những ngày lưu lại nơi đây, nếu xâ dựng một điểm trường sẽ rất thuận lợi cho các em học sinh và giúp các hộ gia đình yên tâm công tác, phát triển kinh tế, không phải tốn nhiều thời gian và công sức trong việc đưa đón. Nhất là khu nhà của Ban quản lý làng Thanh niên lập nghiệp trước đây nay tạm thời cho các hộ mượn để ở có thể tận dụng làm điểm trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Cao Đẳng – Trưởng phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Chư Prông cho biết: Hai năm này, Phòng đã chỉ đạo trường Nguyễn Văn Trỗi tổ chức khảo sát để mở điểm trường, thậm chí sẽ mở lớp ghép gồm ba lớp học nhưng yêu cầu một lớp phải có ít nhất là 12 học sinh (cho phép mở một lớp 12 học sinh là qui định dành cho khu vực vùng núi đặc biệt khó khăn-NV). Tuy nhiên, không thể mở lớp vì lượng học sinh không đủ. Năm học tới đây, chúng tôi đang yêu cầu trường Nguyễn Văn Trỗi lập kế hoạch, khảo sát nếu đủ lượng học sinh sẽ tiến hành mở lớp vì nhân lực và vật lực đã có đủ.

Chú thích hình:

Hình 1;2;3: Làng Thanh niên lập nghiệp đang mong mỏi một ngôi trường

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai