Niềm vui về làng mới Kon Charăk





Nguyễn Tú

Dưới cái nắng như thiêu như đốt của những ngày cuối tháng tư, chúng tôi ghé thăm làng Kon Charăk mới thuộc xã Ha ra, huyện Mang Yang, ấn tượng đầu tiên bắt gặp là niềm vui, sự phấn khởi của các hộ dân mới chuyển về khu tái định cư mới. Đến bây giờ, không ít người trong số họ vẫn nghĩ là mình đang mơ, bởi không thể tin rằng mình đang được sống trong những ngôi nhà xây khang trang, sạch sẽ tại làng tái định cư.

Làng tái định cư Kon Charăk mới (được tách ra từ làng Kon Charăk cũ và hiện chưa thống nhất được tên mới cho làng-NV) được thành lập theo Quyết định 32/CP đề án của Chính Phủ về định canh - định cư cho người dân, UBND huyện Mang Yang làm chủ đầu tư, từ nguốn vốn ngân sách của nhà nước, làng được khởi công xây dựng từ năm 2009. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư mới với tổng vốn trên 3 tỷ đồng, xây dựng nhà ở, cơ sở vật chất hạ tầng cho các hộ dân thuộc làng Kon Charăk cũ. Dự án hỗ trợ chỗ ở cho 68 hộ dân của làng Kon Chrăk mới với diện tích khoảng 7 ha, mỗi hộ được nhà xây kiên cố rộng 28 m2, trị giá 21 triệu đồng, được cấp 1 sào đất ở và 2,5 sào đất sản xuất. Không những vậy, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học được xây dựng kiên cố, có sân bóng chuyền, bóng đá để cho thanh niên trong làng vui chơi. Hiện tại, có 57 hộ chuyển về sinh sống tại làng mới.

Thật tình cờ, chúng tôi đến Kon Charăk vào đúng ngày mà họp làng để bầu thôn già làng, thôn trưởng mới. Trong niềm vui mới, dân làng tổ chức hội làng và chúng tôi được mời tham gia. Mọi người cùng uống rượu cần, rôm rả nói về cuộc sống trên vùng đất mới này và đề tài được bàn tán sôi nổi nhất là trong thời gian tới nên chọn loại cây trồng, vật nuôi gì để phát triển kinh tế gia đình mình. 

Trong ngôi nhà cấp bốn còn thơm mùi vữa mới, gia đình anh Hế đang làm cơm mời anh, em đến ăn cơm, uống rượu mừng về nhà mới, làng mới và mừng cho Kon Charăk vừa bầu các chức danh trong làng, bản thân anh được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn, anh phấn khởi: Trước đây, người dân làng mình không có nhà ở ổn định, cuộc sống chủ yếu dựa vào việc phát rừng làm nương rẫy. Nay nhờ được sự quan tâm của các cấp chính quyền vận động chuyển ra làng mới, lại còn xây nhà đẹp, cấp đất sản xuất, làng mới gần trung tâm xã, có chợ, có trạm xá và gần trường con cái mình được đi học gần hơn, mình và dân làng mừng lắm.

Không riêng gia đình anh Hế, các hộ dân như già làng Tung, ông Ty… Trước đây, đều sinh sống ven các rừng phòng hộ, cuộc sống tự cung, tự cấp, phát rừng làm nương rẫy, thiếu ăn triền miên, con cái không được đến trường, cả gia đình sống trong các ngôi nhà tạm bợ được làm từ tranh, tre, nứa. Nay về ở khu tái định cư mới có nhà ở đẹp hơn, khang trang hơn quê cũ. Rất vui mừng, phấn khởi, cảm thấy thoải mái và hào hứng với cuộc sống mới.

Để có được như ngày hôm nay, đó là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các cấp chính quyền huyện Mang Yang trong việc vận động người dân ra định cư tại làng mới. Ông Hoàng Huy Du – cán bộ địa chính xã Ha ra được giao nhiệm vụ phụ trách làng cho biết: Chúng tôi thực sự đã gặp rất nhiều khó khăn từ khi bắt đầu thực hiện đề án từ khâu xây dựng rồi đến việc vận động người dân di dời đến nơi ở mới. Từ một vùng đất hoang vu, nay là nơi cư ngụ của khoảng 300 ngàn người với đầy đủ các tiện nghi như nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, sân chơi thể thao… Ngoài ra, dân làng còn được hỗ trợ đất sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi để ôn định cuộc sông trong thời gian tới.

Tuy vậy, vẫn còn đó nhiều nỗi lo, mối lo lớn nhất, cấp thiết nhất là việc thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày và thiếu điện. Ông Ty- một người dân của làng nói: Được về nơi ở mới, dân làng mình vui rồi, nhưng làng mình vẫn còn gặp khó khăn về nguồn nước, hiện tại cả làng chỉ có hai giếng nuớc nhưng không đủ nuớc cho sinh hoạt phải đi lấy nước ở làng cũ cách làng mới 2 km về dùng. Cũng như, làng vẫn chưa có điện để sinh hoạt, mình mong chính quyền sớm giải quyết để dân làng ổn định cuộc sống, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế.

Chúng tôi đem những bộc bạch ấy trao đổi với Chủ tịch UBND xã -Nguyễn Giới, ông cho biết: Theo kế hoạch thì tháng tới sẽ đáp ứng nguồn nước cho dân làng sinh hoạt, còn mạng lưới điện thì chậm nhất trong năm nay sẽ hoàn thành cung cấp điện cho toàn bộ làng. Bên cạnh những khó khăn thì việc di dân tái định cư cũng đem lại những thuận lợi nhất định như: thuận lợi cho việc quản lý, đảm bảo an ninh – trật tự trong làng, hạn chế tình trạng phát rừng làm nương rẫy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế con em trong làng nghỉ học,…

Được biết, UBND xã chọn Kon Charăh mới là làng điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2012. Hy vọng những cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền và bản thân từng người dân sẽ đem đến một diện mạo mới, một bộ mặt mới cho Kon Charăh. Tiến tới hoàn thành các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2012 như lời của chủ tịch xã Ha ra Nguyễn Giới.

                                                                             N.T

Chú thích hình:

Hình 1;2: Làng Kon Charăh mới - ảnh Hoành Sơn

Hình3;4;5: những ngôi nhà mới của làng Kon Charăk - ảnh Hoành Sơn


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai