Đêm nghe cá quẫy trong hồ Ia Mlá

HOÀNH SƠN
Tôi theo chân một nhóm người đi câu thủy quái trong khu vực rừng ở Hồ chứa Ia Mlá (xã Ia Mlá, xã Krông Pa, Gia Lai). Một đêm ở lại trong rừng đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. Không chỉ cung cấp nước sạch, nước tưới tiêu, thức ăn cho nhân dân ở Krông Pa, hồ chứa nước Ia Mlá còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Một chuyến đi câu
         Khi rảnh việc, nhiều người ở Gia Lai vào khu vực rừng trong hồ chứa Ia Mlá câu cá bởi ở đó có nhiều loại cá to và đặc sản. Họ câu cá để thoải niềm yêu thích và để được thưởng thức những món cá ngon sống trong hồ nước tự nhiên. Địa điểm câu cá của nhóm bạn tôi là ở khu vực lòng hồ thuộc địa phận xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). 
Để đến được địa điểm câu cá ấy là một hành trình khó khăn. 5 giờ chiều,  nhóm chúng tôi có 4 người tập trung ở cuối con đường gần chân đập Ia Mlá rồi men theo con đường mòn dẫn vào rừng sâu thuộc xã Đất Bằng để nhập cùng bạn câu đến từ xã Chư Rcăm. Hơn 1km đầu tiên, dù đường đất và chi chít đá nhưng còn dễ. Khoảng 8 km sau thì vô cùng nan giải. Con đường mòn giữa rừng này chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy chạy, nếu có xe ngược chiều, xe còn lại phải ép vào bụi cây nhường đường. Nền đường là đất là đá. Nhiều đoạn là dốc cao dựng đứng, chúng tôi phải trả về số 1, vặn hết tay ga mới lên đến đỉnh. Nhiều đoạn, mặt đường lún sâu xuống đủ lọt cho bánh xe, hai bàn đạp chân của xe mắc kẹt lại, cây cối phủ cảnh tạo vòm sát đầu người, chúng tôi phải lom khom mới khiêng xe qua được. Trên đường đi có 2 con suối với 2 chiếc cầu bằng cây rừng ghép lại tạm bợ gác trên đá. Phải vất vả lắm, chúng tôi mới đưa được 5 chiếc xe máy mới qua được 2 cây cầu này.
7 giờ tối, chúng tôi đến địa điểm câu cá và hội quân với những người bạn từ xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) vào trước đó. Cơ thể chúng tôi ê ẩm với nhiều thương tích do va quẹt vào cây rừng. Một người bạn đồng hành tên Phạm Văn Hoàng (trú TP. Pleiku) nói: “Không ngờ được khó đi thế này. Lúc nãy, tôi bị mấy cành cây vướng xe trước quất ngược lại làm rách da mặt ứa máu. Đôi tay thì mỏi nhừ”.
Địa điểm được chọn làm nơi đặt cần câu cá ở dưới những cây xoài to gần mép nước hồ Ia Mlá. 3 người bạn vào trước đã căng bạt làm một cái lều, đốt một đống lửa to, nấu một nồi cơm, nướng một ít thịt heo và một con cá trôi khoảng 3 kg mới câu được. Trong khi nấu thức ăn, mọi người tản ra làm mồi, lắp cần và chọn chỗ đặt cần câu. “Khu vực rừng này, trước chiến tranh là căn cứ địa cách mạng. Chỗ ta câu cá là cánh đồng lúa của người Jrai. Sau ngăn đập làm hồ thì nhà nước đền bù rồi di dời dân về dưới xã ở. Trong hồ Ia Mlá có nhiều loại cá như: cá phá, lóc, trê, trôi, chép… Có nhiều con cá nặng vài chục kg ấy. Đã có nhiều người câu được con cá nặng gần 20kg ấy Riêng tôi, từng câu được cá trôi nặng gần 10kg, cá phá 2kg”-anh Lê Quang Sáng (trú buôn Chính Hòa, xã Ia Mlá) chia sẻ.
Phải nói rằng, nghề câu cũng lắm công phu. Với một lần đi câu, thợ câu cá phải chuẩn bị rất nhiều thứ để mang theo: “Một tháng, chúng tôi có đôi lần vào lòng hồ câu cá. Câu giải khuây nhưng trước khi đi phải chuẩn bị nhiều thứ lắm, từ đồ câu đến ủ mồi rồi xoong nồi, gạo, mắm muối…”-anh Nguyễn Văn Hà (xã thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) cho hay.
Một bạn câu khác tên Kiểm (trú xã Chư Rcăm) tiếp lời:“Chúng tôi phải mua cần câu với giá từ vài trăm đến cả chục triệu đồng, rồi mua cước, lưỡi và hàn que cắm giữ cần. Tốn kém lắm. Ngoài ra, trước khi đi, phải mua cám tổng hợp, hạt bắp về ủ qua đêm cho lên men chua rồi mới mang đi câu”.
Trong đêm tối tĩnh lặng, mỗi thợ câu chọn cho mình một góc để quăng mồi dụ cá. Mỗi cần thủ có 5-6 chiếc cần câu. Người câu cá phá-một loài cá đặc sản sinh sống ở các hồ nước của vùng Đông Nam tỉnh hoặc câu cá trê, cá lóc thì dùng mồi giả, giun, dế, lòng gà… để móc vào lưỡi câu rồi ném vào mặt nước hồ tĩnh lặng. Người câu cá trôi, rô phi, chép thì dùng mồi cám đã ủ chua. Thả xong mồi câu thì họ tụ về đống lửa ngồi trò chuyện. Lâu lâu họ thăm cần hoặc chờ tiếng chuông báo gắn ở cần phát ra thì lao về phía cắm cần kéo cá. Có người câu được con cá trôi nặng khoảng 3kg, có người câu được cá rô phi và cũng có người ngồi ngóng cá cắn mồi.
Chúng tôi ăn rừng*
Đêm giữa đại ngàn tĩnh lặng. Lâu lâu gió rừng thốc thốc thổi theo hơi nước hồ lạnh tê tái và tiếng nhạc phát ra từ buôn làng phía đối diện. Sương làm mềm tóc. Tôi cùng nhóm bạn câu quây quần bên ánh lửa bấp bùng sưởi ấm ăn tối. Một bữa ăn tối đáng nhớ với những sản vật của sông núi Krông Pa. 2 chiếc nồi được mang theo để nấu cơm và canh. Canh là rau dại mọc trong rừng. Gạo được trồng ở Krông Pa. Đồ chấm là một tổ kiến vàng mới bắt từ trên cây dã nhỏ với muối, ớt rừng, lá é, sả và cả loại muối trong gói mỳ tôm. Thức ăn là những con cá mới dính câu, thịt heo và một con gà do người Jrai ở buôn Chính Hòa (xã Ia Mlá) nuôi được anh Nguyễn Đoàn-kiểm lâm địa bàn mua trước khi dẫn đường chúng tôi đến nhập cùng nhóm bạn câu ở xã Chư Rcăm. 
Chúng tôi làm chín cá, gà và thịt heo được nấu theo hình thức nguyên sơ nhất. Sau khi sơ chế, làm sạch, những thức phẩm này được xiên ngang bằng một cái que rồi nướng trực tiếp bằng than mà không cần tẩm ướp gia vị. Hơi nóng tỏa ra từ bếp lửa dần làm chín thức ăn. “Nấu như này là theo cách cổ xưa giúp các loại thực phẩm giữ được mùi vị của nó. Thịt cá, gà sẽ chắc, ngọt hơn. Bây giờ, đa phần thực phẩm được ướp lạnh và ướp thêm gia vị rồi mới nấu sẽ làm mất đi vị đặc trưng”-anh Hà lý giải.
Chúng tôi vừa ăn tối vừa chuyện trò bên bếp lửa. Cá dính mồi câu cần của ai thì người đó ra gỡ. Thiếu thức ăn thì mang cá vào làm sạch rồi nướng. Nhóm bạn câu mà tôi theo chân là những nông dân, công chức ở hai xã Ia Mlá và Chư Rcăm. Với họ, đi câu là một hình thức xả stress trước những áp lực, công việc làm ăn thường nhật. “Đây là một thú vui của chúng tôi chứ đi câu tốn kém lắm. Tính sơ, một lần đi câu khoảng 2 ngày và 1 đêm, một người mang từ gần 20kg cám làm mồi câu. Phải liên tục thả mồi nhưng có khi chả câu được con nào, coi như rải cám cho cá ăn. Khi câu được cá to thì thấy sảng khoái lắm”-anh Kiểm nói. Anh Hoàng Văn Vũ (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) bộc bạch: “Đây là lần thứ 6, tôi theo anh em đi câu cá. Năm rồi làm ăn thua lỗ hơn 200 triệu. Ở nhà nhìn con cái nhỏ thấy áp lực, thêm bực dọc, tự trách mình nên xách cần đi câu. Chỗ câu vắng vẻ khiến mình tĩnh tâm hơn rồi suy tính cách làm ăn cho năm mới”.
Đêm khuya, lá rừng xào xạc, cá quẫy động nước hồ, tiếng thú rừng ăn đêm kêu xóa như muốn không khí tĩnh lặng của đại ngàn. Nhóm câu thôi mắc mồi và chuẩn bị chỗ ngủ. Đốt 2 đống lửa to ngoài lều bạt, mỗi chúng tôi tự chọn một góc nằm. Tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng cười đùa phía bãi câu và tiếng gà rừng gọi nhau. Thì ra có một con cá trôi hơn 3 kg dính câu của anh Sáng. 
Buổi sáng giữa núi rừng, không khí trong lành nhưng lạnh, chúng tôi lại quây quần bên bếp lửa và trêu đùa nhau rằng con cá dính câu của anh Sáng là sơn thần thổ địa núi Đất Bằng bởi nơi anh Sáng đặt cần chưa bao giờ có cá dính câu. Mọi người đang trò chuyện thì một chiếc cần câu của anh Vũ reo chuông rồi phóng đi như một mũi tên, chiếc cần chống bị kéo nằm sát mặt nước. Cả nhóm lao ra nơi đặt cần còn anh Vũ lao nhanh xuống mặt nước theo hướng chiếc cần câu nhưng đã chìm trong hồ nước. Anh Vũ lên bờ rồi tếu táo : “Con cá sẩy là con cá to. Cả bộ đồ câu và cần trị giá gần 2 triệu đi tong. Mấy bữa không có cá đớp mồi cứ mong có cá cắn dù mất cần, giờ thì thỏa nguyện. Cơ mà đớn đau này thật là dễ chịu”.
Một chiếc thuyền đến đón chúng tôi về xã Ia Mlá, trong khi nhóm bạn ở xã Chư Rcăm ở lại câu tiếp. Tôi cám ơn những người bạn đã giúp có một trải nghiệm thú vị ở núi rừng Krông Pa. Tôi xem đây là lần trải nghiệm theo hình thức du lịch sinh thái vô cùng thú vị. Một đêm ở giữa mênh mông sông núi mà không sử dụng những thiết bị, máy móc hiện đại lại tự thấy cuộc sống còn nhiều điều ý nghĩa. Và, ý nghĩ về tiềm năng du lịch sinh thái của hồ chứa Ia Mlá.
H.S

Box: Chủ tịch UBND xã Ia Mlá-Vũ Quang Huy cho biết: “Các đồng chí lãnh đạo huyện Krông Pa đã nhiều lần khảo sát và làm việc với xã về việc phát triển du lịch sinh thái ở Hồ chứa nước Ia Mlá. Tuy nhiên, huyện cũng đang cân nhắc vì hồ này cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, nước tưới tiêu cho nhân dân trong huyện nên có những lo ngại về môi trường.

*Tên một cuốn sách của tác giả Geoges Condominas

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai