Sương phủ thác Ply Mung

                               NGUYỄN TÚ
Mỗi sáng sớm hay chiều tà, sương giăng phủ kín thác Ply Mung (còn gọi thác Trăn; thuộc xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai) tạo nên không gian lung linh, huyền ảo xen lẫn sự kỳ bí gợi niềm thích thú cho du khách đến chiêm ngưỡng thắng cảnh này.
Hoang sơ thác Ply Mung
Thác Ply Mung cách trung tâm xã Ia Rsai khoảng 20km. Để đến được thác này, chúng tôi phải chinh phục con đường đầy đất, cát, đá len lỏi giữa những cánh rừng. Anh Nguyễn Văn Hà và 3 người dân huyện Krông Pa dẫn chúng tôi vào thác Ply Mung. Trên hành trình dẫn chúng tôi vào thác Ply Mung, anh Hà dặn dò: “Đường khó đi lắm, mọi người chạy xe cẩn thận. Có nhiều người phải bỏ dở cuộc thăm thú thác này vì ngã xe hay bị rễ cây đâm rách da thịt”.
Hơn 1 tiếng “đánh vật” với con đường rừng, chúng tôi đến chân thác Ply Mung. Đập vào mặt chúng tôi qua cái nhìn đầu tiên là đá và đá. Bao quanh thác Ply Mung là những tảng đá có khích thước khổng lồ với hàng trăm hố tròn đủ mọi kích cỡ trên bề mặt. Ngoài ra còn có vài tảng đá có mặt bằng phẳng rộng đến cả trăm m dựng đứng ở dưới chân thác. Ấn tượng nhất là một quả núi mà có đến nửa phần được bao bọc bởi một tảng đá liền tảng rộng bằng một sân bóng mini cỏ nhân tạo. Trên những khe nứt của tảng đá đó, cây cối bám rễ vươn lên, nhiều nhất là cây mai vàng. Rừng quanh thác Ply Mung đang mùa thay lá. Màu vàng đang chiếm thế chủ đạo trên cây rừng. Có nhiều cây trút hết lá với dáng bon sai gợi sự thích thú. Xen lẫn giữa những tảng đá là bãi cát vàng. So với những thác ở nơi khác, Ply Mung là dạng thác tràn, dải nước đổ từ nơi cao xuống thấp ngắn. Nước từ thượng nguồn núi Chư Jú đổ len lỏi qua hố tròn trên đá ở thác Ply Mung rồi tràn qua một tảng đá to đổ xuống một khúc suối rộng vài chục m rồi đổ về phía hạ nguồn. 
Anh Rơ Ô Gối-trú buôn Băr (xã Ia Rsai)-chia sẻ: “Người già trong làng kể lại là trước đây quanh thác này có nhiều đá và cây chuối nên gọi là Ply Mung. Ngày trước, người Jrai quanh đây không dám tắm thác này đâu vì có một con hổ và trăn bảo vệ cho Yang. Cũng có vài người bị hổ ăn thịt khi ra đây tắm nên thác Ply Mung được coi là chốn linh thiêng. Nơi này cũng là căn cứ địa cách mạng ấy. Trước đây thác đẹp hơn giờ nhiều”.
Dẫn chúng tôi đến một hang đá dưới chân thác, anh Hà kể thêm:“Đầu năm 1985, tình cờ trong một lần đi rừng ngay đây, tôi và mấy người bạn phát hiện một con trăn cái nặng 30 kg và một ổ trứng với 15 quả. Do đó, dân quanh đây quen gọi là thác Trăn chứ ít gọi Ply Mung. Sau khi con trăn bỏ đi thì mọi người mới đến đây tắm, tham quan chứ trước đây không ai dám tắm đâu. Ngày trước, quanh thác này cây mai rừng nhiều vô kể, cứ đến dịp Tết, hoa mai đua nhau nở nhuộm vàng, đẹp lắm”.
Nằm sâu trong rừng Ia Rsai, thác Ply Mung còn giữ được nét hoang sơ, kỳ vĩ, không khí trong lành. Nước suối trong và mát róc rách chảy qua đá tạo âm thanh kỳ thú. Chim muôn chuyền cành hót líu lo trên cây. Điều thích thú nhất của những người lần đầu đến tham quan thác Ply Mung là được chứng kiến cảnh sương phủ kín bốn bề vào lúc sáng sớm hay chiều tà. Cảnh vật càng rực rõ hơn khi có ánh nắng nhẹ chiếu xuyên qua tạo không gian lung linh, huyền ảo.

         Trắng đêm bắt ốc đá, săn kỳ tôm
         Sau khi ngụp lặn trong dòng nước mát lành nơi thác Ply Mung, chúng tôi treo lên điểm cao nhất của quả núi có tảng đá ôm phân nửa ngắm hoàng hôn. Có đôi khi, cần rời phố thị ồn ào, xa thiết bị điện tử hiện đại để thấy cuộc sống và thiên nhiên còn nhiều điều kỳ thú. Khi ánh nắng từ từ chìm khuất giữa đại ngàn để bóng tối dần dần xâm lấn, một ánh lửa loe lói cháy lẫn mùi khói cũng mang đến cho con người đong đầy cảm xúc. Trong tôi, xúc cảm của quá khứ xa xăm của một thời đói khổ theo bước chân mưu sinh của bậc sinh thành ở miền biên viễn Gia Lai cứ ùa về nơi khóe mắt.


         Đến một vùng đất nào đó ngoài để ngắm cảnh còn là để học hỏi thêm đôi điều mới mẻ. Ở thác Ply Mung của xã Ia Rsai, chúng tôi học được cách chế biến thực phẩm của người Jrai. Một cách làm gà mới mẻ. Không cần dùng dao cắt tiết, không nhúng qua nước sôi nhổ lông mà chao qua nước lạnh rồi đưa lên lửa, khoảng 3 phút thì đưa xuống nhổ lông rồi xiên vào thanh tre để gần bếp lửa: “Nếu nhúng qua nước sôi thì gà bị dễ bị rách thịt và ngấm nước. Còn không cắt tiết thì gà sẽ ngọt thịt hơn. Nướng xa lửa cũng giúp gà chín từ từ, chảy bớt mỡ đi, thịt săn chắc hơn”-anh Siu Pông (trú xã Ia Sai) giải thích. 
Đó còn là cách chế biến muối chấm từ tổ kiến vàng. Sau vài ít lội rừng, anh Hà đưa về một cành cây tươi có một tổ kiến vàng. Sau khi nhặt sạch, cả con kiến cùng trứng, nhộng được bỏ vào một cái xoong đặt đưa lên bếp lửa đảo qua rồi giã cùng muối i ốt, ớt và lá é. “Muối kiến vàng là đặc sản của Krông Pa. Nó được dùng làm thức chấm cho bò một nắng, gà, heo nướng…”-anh Hà nói. 

Ở thác Ply Mung ngoài các loại cá thì còn có 3 loại vật là đặc sản thường được người Jrai trong vùng bắt về chế biến làm thực phẩm là: ốc đá, cua đá và kỳ tôm. Chúng tôi cũng trải nghiệm câu cá đêm và săn bắt 3 loài vật này. Chỉ cần rọi đèn đi dọc thác là chúng tôi bắt được một mớ ốc và cua đá. Kỳ tôm thì khó hơn. Bởi chúng chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, đổi màu rất nhanh và sống trên cành cây cao nên khó khăn trong khi bắt. “Kỳ tôm ở rừng này nhiều lắm, bà con hay bắt về làm thức ăn. Họ dùng một cây sào có thắt 1 dây thòng lọng, thấy con kỳ tôm thì tìm cách đưa thòng lọng vào cổ rồi giật mạnh. Đến dịp lễ hay mùa nắng nóng, người dân Krông Pa cũng thường tụ bạ ngắm cảnh, nghỉ ngơi, nấu nướng và săn bắt sản vật quanh thác làm thức ăn lắm”-anh Gối cho hay.
Một đêm ngủ giữa mênh mông rừng núi cũng là trải nghiệm lý thu với những người ưa thích hình thức du lịch sinh thái. Ngủ rừng để được nghe tiếng thú rừng ăn đêm, tiếng gà rừng gáy gọi nhau và được ngắm sương giăng, bình minh ngày mới. Khi ánh nắng của ngày mới chiếu rõ, chúng tôi thu dọn đồ đạc, đốt rác, rời thác Ply Mung và trở về nhà trong niềm phấn chấn. 

Ông Hiao Buk-Chủ tịch UBND xã Ia Rsai cho biết: “Thác Ply Mung đẹp và hoang sơ. Hàng năm, có nhiều lượt khách từ Gia Lai về chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác. Phía huyện cũng đã chỉ đạo xã xem xét xây dựng đề án phát triển du lịch, chúng tôi cũng đề xuất đưa thác Ply Mung trở thành điểm du lịch sinh thái nhưng còn nhiều lo ngại vì con đường vào đó khó đi”.
N.T

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai