Huyện Chư Pah: “Sa tặc” tàn phá thiên nhiên

Cập nhật lúc 14:51, Thứ Ba, 04/10/2011 (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhân dân các xã Ia Khươl, Đak Tơ Ve, Hà Tây (Chư Pah, Gia Lai) rất bất bình với tình trạng khai thác cát tràn lan trên suối Ia Tơ Ve. Hậu quả, làm cho các dải đất dọc theo con suối bị sạt lở ngày một nghiêm trọng hơn.
 Khai thác cát đang đem lại lợi nhuận lớn nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chư Pah đã dùng mọi hình thức để tận thu nguồn lợi này. Theo thông tin ban đầu, có 2 doanh nghiệp đang khai thác cát trên suối Ia Tơ Ve. Các “mỏ cát” hoạt động liên tục trong ngày, các vòi rồng được sử dụng hết công suất để hút cát lên, xe ô tô tải loại lớn vào ra liên tục để chở cát.
Lòng suối Ia Tơver đang mở rộng theo thời gian. Ảnh: Nguyễn Tú

Hậu quả của việc khai thác không theo quy hoạch đã làm cho dải đất hai bên con suối Ia Tơ Ve bị sạt lở ngày một nghiêm trọng hơn. Có đoạn suối ăn sâu vào các thửa đất nông nghiệp xung quanh đến 100 mét. Tiêu biểu nhất là đoạn ngã ba giữa suối Ơong (theo cách gọi của người dân địa phương-P.V) hợp lưu với suối Ia Khươl, ngã ba này đang mở rộng từng ngày.

Theo ông Trần Quốc Tấn- một người dân ở đây thì “Cách đây 4 tháng đoạn ngã ba này chỉ rộng độ mấy chục mét vậy mà bây giờ ngày một hẹp dần. Tính nay, con suối đã nuốt mất của nhà tui 5-6 sào đất rồi đấy, cứ đà này diện tích đất còn lại sẽ trôi hết theo suối”.

lòng suối Ia tơ ver đang mở rộng theo thời gian  ảnh: N.T
Theo hướng ông Tấn chỉ, chúng tôi nhìn thấy bên kia suối rất nhiều đống cát to đang chờ được chở đi. Vợ ông Tấn kể thêm: “Cứ 3 giờ sáng là tiếng xe, tiếng máy gầm rú vào ra chở cát, náo động cả xã. 7 giờ sáng hút đến 11 giờ nghỉ, chiều 13 giờ hút tiếp cho đến 17 giờ, ngày nào cũng thế, rồi xe ô tô chở cát chạy ầm ầm, trời nắng cát bay đầy nhà, trời mưa đường lầy lội. Dân chúng tôi không được yên một ngày, trời mưa càng to thì xe chạy càng nhiều”.

Không riêng gia đình ông Trần Quốc Tấn, nhiều gia đình thuộc 3 xã Ia Khươl, Hà Tây, Đak Tơ Ve cũng đang bất bình và lo lắng khi dòng chảy của con suối Ia Tơ Ve đang mở rộng cuốn trôi gần hết đất canh tác nông nghiệp. Trong khi đó, Gia Lai đang giữa mùa mưa lũ, nước suối dâng rất cao, đục ngầu và chảy xiết hơn. Các dải đất đang trồng hoa màu và cây công nghiệp bên các con suối tiếp tục bị sạt lở là điều không thể tránh khỏi.

Chính việc khai thác cát tràn lan không có quy hoạch đang để lại những hậu quả nghiêm trọng, đất nông nghiệp bị sạt lở ngày một nhiều, tài nguyên cát đang dần cạn kiệt, đường sá bị hư hại lầy lội, cầu cống bị đổ sụp.

Mới đây nhất, rạng sáng 2-10 một chiếc cống và một chiếc cầu bị đổ sụp (cầu Bản). Điều đáng nói, cây cầu này là con đường độc đạo vào cụm (khu trung tâm của ba xã) và đến xã Hà Tây. Cầu Bản bị đổ khiến giao thông bị ách tắc, hàng ngàn người dân phía bên kia cầu bị cô lập, đang đối mặt với thiếu lương thực, thiếu các nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống. Các em học sinh hai trong ba xã có nguy cơ phải nghỉ học và sẽ rất nguy hiểm khi có bệnh nhân cấp cứu cần chuyển lên tuyến trên. Đó chính là những thiệt hại ban đầu mà người dân các xã bên các con suối phải hứng chịu khi khai thác cát quá tràn lan.

Nguyễn Tú

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai