Thủy điện và nỗi lo của người dân

Thủy điện và nỗi lo của người dân

Cập nhật lúc 19:23, Thứ Ba, 25/10/2011 (GMT+7)
Đất ruộng biến thành… “biển” nước

Khoảng 400 ha đất, ruộng của nông dân 4 thôn thuộc xã Xuân An, thị xã An Khê bị cô lập hoàn toàn khi nước hồ thủy điện dâng cao, riêng thôn An Xuân 4 chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ông Nguyễn Văn Hiệp (thôn An Xuân 4) mắt đỏ hoe nhìn ra đồng nước mênh mông: “Nhà tui có 1,6 ha trồng mì đã đến lúc thu hoạch nhưng nước dâng cao nên đành bỏ thôi, đau lòng lắm”.  
Gia đình ông Hiệp cùng khoảng 60 hộ của thôn An Xuân 4 xuống giống hoa màu từ đầu năm cùng thời điểm Ban Quản lý dự án Thủy điện (BQLDATĐ) hứa xây dựng hai chiếc cầu cho dân, một cầu dây cho dân qua canh tác trước, sau đó xây thêm một chiếc cầu lớn cho dân vận chuyển hoa màu về. Tin vào lời hứa, người dân mạnh dạn gieo trồng với tổng diện tích khoảng 400 ha. Nhưng đến nay đã vào vụ thu hoạch mà chiếc cầu kiên cố để vận chuyển hàng ngàn tấn mì, hàng ngàn tấn mía vẫn không thấy đâu?
người dân đứng bên này ngó hoa mà bên kia đến ngày thu hoạch  ảnh: Nguyễn Tú

Sau đợt xả lũ bất ngờ vào cuối tháng 6 (các phương tiện truyền thông đã đưa tin và thống kê con số thiệt hại gần 5 tỷ đồng-P.V) nước dâng cao quá mức. Cầu không có, không thể dùng ghe, thuyền vận chuyển hàng ngàn tấn sản phẩm về nên bà con đành nhìn công sức, vốn liếng cùng hàng chục tỷ đồng đổ xuống hồ thủy điện.

Chị Chánh (thôn An Xuân 4) có gần 2 ha đất trồng mì đã đến kỳ thu hoạch nhưng đành bỏ của đi làm thuê. Chị buồn rầu: “Dân lúng túng lắm. Ngày trước, khi ruộng nhà chị chưa bị ngập, đất chưa biến thành “ốc đảo”, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng. Tiền đền bù bao nhiêu cũng hết, nông dân thì chỉ mong có đất để làm ăn lâu dài”.  Ông Nguyễn Công Báo (thôn An Xuân 4) bị ngập khoảng 5 ha đất lòng hồ nhưng đến nay vẫn chưa mua lại được sào ruộng nào. Bởi lẽ, cùng thời điểm thủy điện đền bù 7,8 triệu đồng/sào ruộng thì trên thị trường đã là 12 triệu đồng/sào. Tương tự đối với đất hoa màu, thủy điện đền bù 3,9 triệu đồng/sào nhưng trên thị trường giá đất là 5 triệu đồng/sào. Hơn thế, đất ngày càng hiếm đi.


Vì cây cầu hứa hão
Gia đình anh Nguyễn Đức Phong thuộc tổ 2, phường An Phước, thị xã An Khê bị mất toàn bộ 2 ha đất, trong đó có 4 sào ruộng. Giờ chỉ còn trơ lại cái nhà gạch giữa đồng nước mênh mông. Bảy đứa con học hành không đến nơi đến chốn, đất không có phải lang bạt khắp nơi làm thuê làm mướn. Trâu bò cũng phải bán đi vì không có đất chăn thả. Tiền vào nhà nghèo như lá khô gặp gió, cuốn đi lúc nào không hay. Đền bù thì nhỏ giọt, chia thành nhiều đợt không tập trung nên bà con khó mua lại ruộng đất. Cả nhà giờ chỉ biết ngồi nhìn nhau.

Đồng cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Sơn (thôn An Xuân 4) 6 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào “cái chòi tạp hóa” bé tẹo nằm chênh vênh bên đường. Gia đình anh bị ngập 5 ha đất lòng hồ, còn 2 ha làm mì, làm mía nhưng mùa này không thể thu hoạch vì bị nước thủy điện cô lập.

Mong muốn có được một chiếc cầu để thu hoạch mùa màng dường như đã tuột khỏi tầm tay của bà con nông dân. Lãnh đạo Nhà máy thủy điện hứa nếu không thu hoạch được, họ sẽ đền bù thiệt hại nhưng bao giờ lời hứa mới được thực hiện.

Box: “Mồ mả ông bà, cha mẹ, họ hàng đang bị chìm sâu dưới “biển” nước. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị xin hạ mực nước để di dời, Nhà máy thủy điện hứa sẽ thực hiện nhưng đã hơn một năm nay chỉ thấy nước càng dâng cao”. Đó là nỗi khổ tâm của gia đình các ông: Nguyễn Văn Hiệp, Đinh Như Chương, Nguyễn Tấn Đồng ngụ ở thôn An Xuân 4”.
Hoàng Sơn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xưa rồi! “ốc đảo” Kon Pne

Đồi Thông Glar, núi lửa Chư Đăng Ya và tư duy làm du lịch

Thăm rừng giáng hương trăm tuổi lớn nhất ở Gia Lai